Ba Chẽ là vùng đất sinh sống lâu đời của 14 dân tộc, nơi giao thoa và lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây có hệ thống các nghi lễ – lễ hội đặc sắc, kho tàng dân ca, dân vũ, văn hóa thổ cẩm đặc trưng… tạo nên một bức tranh đa sắc màu về văn hóa trên vùng đất mang nhiều giá trị lịch sử.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Chẽ luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, luôn song hành với việc phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Để giữ vững, duy trì và phát triển thành quả, huyện Ba Chẽ xác định công tác dân vận trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện có vai trò quan trọng. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, các nghệ nhân trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ chính là người giữ lại những cốt lõi trong giá trị truyền thống của dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội…
Những loại hình nghệ thuật nổi bật và độc đáo của huyện Ba Chẽ hiện nay chính là nghệ thuật trình diễn múa cấp sắc của dân tộc Dao và Hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chay. Đây đều là những món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Các di tích văn hóa, lịch sử đã và đang được bảo tồn và phát huy giá trị; góp phần vào việc giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên, học sinh và nhân dân trong huyện. Đến thời điểm này, huyện tổ chức, bảo tồn và phục dựng được 7 lễ hội truyền thống gồm: Lễ hội Trà hoa vàng; Lễ hội Bàn Vương; Lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà; Lễ hội Lồng Tồng; Lễ hội Đình Làng Dạ; Lễ hội Đình Đống Chức; Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay và Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày. Các lễ hội đều được tổ chức tôn nghiêm, trang trọng, thiết thực, phù hợp với phong tục tập quán địa phương, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Huyện đã mở được 12 lớp truyền dạy văn hoá phi vật thể cho 320 người tham gia về các nội dung: Truyền dạy hát Dân ca, Dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc Dao; hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chay và hát Then đàn tính của dân tộc Tày… Trên địa bàn huyện cũng thành lập được 3 Câu lạc bộ Hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chay; 2 Câu lạc bộ Hát Đối của dân tộc Dao; 1 Câu lạc bộ Hát Then và 2 Câu lạc bộ Thêu thổ cẩm của dân tộc Dao với 230 người tham gia sinh hoạt và tập luyện. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc như: Hát Lẩu then, đàn tính, hát Pả dung (hát đối), Soóng Cọ; thi các môn thể thao dân tộc được duy trì thường xuyên. Đặc biệt là một số nghi lễ đặc trưng của người Dao như: Nhảy lửa, múa rùa, các bài dân ca cổ, dân vũ đang từng bước được phục dựng, cũng như tổ chức thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trên địa bàn.
Được thành lập từ năm 2014, với 21 thành viên tham gia sinh hoạt. Từ khi thành lập đến nay, CLB Hát giao duyên của người Dao Thanh Y ở xã Nam Sơn luôn duy trì hoạt động đều đặn. Trong quá trình hoạt động, các thành viên, luôn tích cực sưu tầm các làn điệu dân ca. Lời ca trong hát giao duyên của người Dao Thanh Y thường mộc mạc, giản dị nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tứ, nhất là khi trai gái hát giao duyên tìm bạn.
Ông Phùn Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Từ khi CLB hát đối của người Dao Thanh Y của chúng tôi được thành lập thì phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã Nam Sơn phát triển hơn trước rất nhiều. Các thành viên trong CLB tham gia rất nhiều các hoạt động văn nghệ quần chúng, như trong các dịp cưới hỏi, lễ cấp sắc, hội làng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Từ những hoạt động này giúp chúng tôi bảo tồn và phát huy được nét đẹp của dân tộc mình”.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực mà công tác tuyên truyền, vận động việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã thẩm thấu được đến mọi người dân. Nhờ đó, công tác xã hội hóa trên địa bàn toàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Nhất là công tác xây dựng cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại các xã, thị trấn những năm gần đây có bước phát triển mạnh. Nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và và phát triển sự nghiệp văn hóa – văn nghệ, hiến đất làm nhà văn hóa, đóng góp ngày công lao động, đóng góp của cải vật chất làm nhà văn hóa ở thôn, khu phố.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng thôn, khu phố ngày càng được đẩy mạnh và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện ngày càng phát triển; thông qua đó giúp cho công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống tiếp tục được triển khai nhân rộng trên địa bàn huyện, nhằm khơi gợi, tập hợp, đoàn kết nhân dân tham gia xây dựng quê hương… Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình gia đình tiêu biểu làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nề nếp, ông bà mẫu mực con cháu thảo hiền, gia đình ấm no hạnh phúc.
Bên cạnh đó, việc giao lưu về văn hóa, thể thao cũng được thường xuyên đẩy mạnh, trong đó ưu tiên tuyên truyền, cổ động trực quan, các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật. Các hoạt động đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Công tác giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa cho thanh thiếu nhi được quan tâm. Huyện Ba Chẽ đã xây dựng và phát hành Tài liệu giáo dục Truyền thống và Lịch sử huyện Ba Chẽ (dành cho các cấp Tiểu học, THCS, THPT) và Tài liệu tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ huyên Ba Chẽ giảng dạy trong chương trình bồi dưỡng Chính trị của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện.
Bên cạnh việc học tập, nghiên cứu, công tác giáo dục truyền thống được gắn với các sự kiến chính trị trọng đại của đất nước, kỷ niệm các ngay lễ lớn như: Đợt sinh hoạt chính trị “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, “Học Bác lòng ta trong sáng hơn”, “Thi tìm hiểu lịch sử “90 năm – Vinh quang Đảng Cộng Sản Việt Nam”… tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, tổ chức hoạt động “Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ”, tổ chức các đợt Kết nạp Đảng viên mới tại Nghĩa trang liệt sĩ và tại Di tích lịch sử Đình Làng Dạ 2 năm liên tục cho trên 140 quần chúng ưu tú (năm 2021, 2022)… Các hoạt động trên đã góp phần giáo dục lí tưởng cách mạng, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ và cán bộ đảng viên.
Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa trong các trường học; tổ chức giảng dạy hiệu quả các nội dung, chương trình môn Lịch sử, Địa lý địa phương đã ban hành; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu các di tích danh thắng trên địa bàn huyện, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong các nhà trường. Hàng năm, các trường đều tổ chức cho gần 5.000 lượt học sinh các cấp được tham gia các hoạt động ngoại khóa dã ngoại, tham quan, giới thiệu các di tích lịch sử, các thắng cảnh của Ba Chẽ, tổ chức học sinh chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, các đài tưởng niệm liệt sĩ, thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, thăm doanh trại Ban Chỉ huy quân sự huyện dịp 22/12 hằng năm…
Để tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Ba Chẽ đòi hỏi công tác dân vận phải được tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả thiết chế văn hoá cơ sở để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia sinh hoạt văn hoá, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần giữ vững thành quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển bền vững huyện Ba Chẽ./.