Cùng với cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cũng được các địa phương của Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài. Điển hình như tại huyện Ba Chẽ, nhiều công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân đã được địa phương ưu tiên dành nguồn lực để xây dựng.
Nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, từ giữa năm 2022, huyện Ba Chẽ đã triển khai xây dựng Hệ thống trạm xử lý nước sạch hồ chứa nước Khe Mười tại thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn, tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Công suất thiết kế 1.022m³/ngày, đêm.
Sau thời gian khắc phục khó khăn về địa hình đồi núi để thi công, đến tháng 10/2023, công trình đã hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Đường ống và đồng hồ nước đã được đấu nối cung cấp nước sạch cho gần 600 hộ dân, với trên 3.400 nhân khẩu thôn Nam Kim (xã Đồn Đạc) và các thôn Khe Sâu, Làng Mới, Cái Gian, Hải Sơn (xã Nam Sơn).
Công trình nước sạch đưa vào sử dụng đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc. Bà Trần Thị Dung (thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn) chia sẻ: Trước đây gia đình tôi sử dụng nước giếng khoan, tuy nhiên nguồn nước này có nhiều cặn đá vôi, khi đun nấu thường bám vào xoong, nồi. Khi có nguồn nước từ công trình nước sạch gia đình của địa phương đầu tư, chúng tôi rất vui mừng, yên tâm sử dụng đảm bảo sức khỏe.
Công trình trạm xử lý nước sạch hồ chứa nước Khe Mười cũng góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao của xã Nam Sơn. Để phát huy hiệu quả lâu dài của công trình, UBND xã Nam Sơn đã thành lập tổ vận hành, đồng thời tăng cường vận động nhân dân cùng chung tay bảo vệ công trình, đặc biệt là sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý.
Ba Chẽ là huyện miền núi với số lượng lớn đồng bào DTTS sinh sống tại nhiều khu vực có địa hình phức tạp. Vì vậy hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân phải sử dụng nguồn nước từ các khe suối, giếng khoan. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và phát triển công nghiệp, lâm nghiệp, nên nguồn nước ngày càng suy giảm. Để nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đến hết năm 2023, nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ 68% lên 72% và 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. 5 năm trở lại đây, huyện đã chú trọng quy hoạch, xây dựng các hồ chứa nước và công trình cấp nước sạch.
Điển hình là công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, còn lại do ngân sách huyện cân đối, bố trí. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người dân của 4 xã, tạo nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 70ha lúa 2 vụ và 20ha màu tại xã Lương Mông, giảm ngập lụt cho vùng hạ lưu, tạo cảnh quan du lịch sinh thái cho vùng dự án nói riêng, huyện Ba Chẽ nói chung.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, huyện Ba Chẽ cũng đầu tư Dự án nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ đường tỉnh 330 – đường tỉnh 342 – Đồng Dằm (Đạp Thanh) – Khe Nà (Thanh Sơn) – Lang Cang (Đồn Đạc).
Khởi công từ tháng 6/2022 và hoàn thành ngày 27/6/2023, với tổng kinh phí 131,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ chương trình DTTS, công trình đưa vào sử dụng đã giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông tuyến đường từ xã Đồn Đạc đi xã Đạp Thanh trong mùa mưa, lũ; tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của nhân dân. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông trong khu vực, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện; đồng thời phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi có mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bà Đàm Thị Hàn (thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc) cho biết: Trước đây người dân phải đi qua ngầm tràn. Vào mùa mưa thường xuyên bị ngập, chia cắt với bên ngoài, không đi lại được, đặc biệt là trẻ em ở trong thôn có khi phải nghỉ học cả tuần do mưa lũ. Bây giờ có cây cầu và đường đi lại thuận tiện, người dân trong thôn, xã rất phấn khởi, sản xuất, buôn bán phát triển kinh tế đã thuận lợi hơn.
Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Ba Chẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ các nguồn vốn đầu tư để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giải quyết được nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho nhiều lao động. Bên cạnh đó huyện cũng tăng cường vai trò của ban giám sát cộng đồng tại các dự án đầu tư công, nhằm kiểm tra nguyên vật liệu đầu vào, tiến độ, phương pháp và giải pháp thi công các dự án, đảm bảo sau khi công trình hoàn thành và đi vào sử dụng sẽ phát huy hiệu quả cao nhất.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp thực tế và được nhân dân đồng thuận ủng hộ, các công trình phục vụ đời sống dân sinh ở huyện Ba Chẽ được đầu tư, đưa vào sử dụng trong thời gian qua đều phát huy tối đa hiệu quả. Không chỉ mang lại diện mạo mới cho huyện, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển.