Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 24/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua các dự án: Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong phiên làm việc sáng, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật. Kết quả biểu quyết điện tử có 468 đại biểu bỏ phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%. Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).
Tiếp tục nội dung phiên họp, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ. Qua thảo luận, đại biểu cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn như Tờ trình. Đại biểu nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật. Đại biểu chủ yếu tập trung xem xét, đánh giá phân tích kỹ, đề xuất bổ sung nhiều nội dung, cũng như kỹ thuật văn bản cho phù hợp và kiến nghị làm rõ thêm nhiều vấn đề, bởi đây là luật tác động và có liên quan trực tiếp nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân, vừa đại chúng nhưng vừa chuyên ngành.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đặc điểm giao thông đường bộ Việt Nam là giao thông hỗn hợp, toàn dân là chủ thể tham gia, tâm lý tập quán nhận thức cũng còn khác nhau. Luật ban hành cần giải quyết mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các yếu tố của kiến trúc thượng tầng trong bảo đảm an toàn giao thông đường bộ để không chồng chéo, mâu thuẫn.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận gửi các đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, tiếp thu giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp đại biểu chuyên trách để thảo luận dự án luật này và sẽ báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp sau.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, sau khi nghe nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án luật. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,14%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Cũng trong phiên họp, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động kịp thời của Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của cơ quan thẩm tra và có báo cáo dự kiến tiếp thu cụ thể. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật; yêu cầu bổ sung cơ sở chính trị pháp lý, thực tiễn, bảo đảm cao nhất an toàn tính mạng của người dân, an ninh quốc gia, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.
Các đại biểu cho rằng, cũng như Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhận được sự quan tâm cao của người dân do luật có tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong điều kiện giao thông đường bộ Việt Nam là giao thông hỗn hợp, người dân là chủ thể tham gia giao thông và chủ thể điều khiển phương tiện… Vì vậy, phạm vi, bố cục và nội dung của hai dự án luật cần thiết kế để xử lý phạm vi giao thoa cho phù hợp, trên cơ sở giải quyết rõ mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các yếu tố của kiến trúc thượng tầng bảo đảm an toàn giao thông, giữa hạ tầng phương tiện và con người, cũng như điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam, giữa yếu tố tĩnh, yếu tố động, yếu tố vừa tĩnh vừa động…