Năm 2023, chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn (lim, giổi, lát) trên địa bàn TP Hạ Long được giao là 420ha (tăng 224,54ha so với đăng ký của thành phố). Đến hết tháng 10/2023, toàn thành phố trồng được trên 217ha (đạt 52% so với kế hoạch tỉnh giao).
Để nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn, ngay từ cuối năm 2022, TP Hạ Long đã chỉ đạo các xã, phường hoàn thành việc kiểm tra sơ bộ hiện trường trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; lập phương án hỗ trợ; trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo các phương án, dự án liên kết sản xuất đã được phê duyệt và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo đúng các quy định hiện hành; vận động cán bộ, công chức, đảng viên và các hộ dân có diện tích được giao, cho thuê đăng ký trồng cây lâu năm. Đối với các xã có diện tích rừng thuộc lưu vực lòng hồ Yên Lập, TP Hạ Long yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ và thực hiện trồng cây bản địa gỗ lớn để tăng khả năng giữ nước, hạn chế xói mòn, bồi tụ trong lưu vực của hồ.
Nhận thức rõ lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển một phần diện tích cây rừng ngắn ngày sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có giá trị kinh tế cao như lim, lát, giổi, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Ông Đào Tất Thắng, Chủ tịch UBND xã Vũ Oai (TP Hạ Long) cho biết: Năm 2023, xã đăng ký trồng 40ha rừng gỗ lớn. Xã đã xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị cung cấp cây giống để hỗ trợ cho người dân về kỹ thuật, cây giống và triển khai đúng, đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ của tỉnh cho người dân. Đến hết quý III, xã đã về đích theo đúng chỉ tiêu được giao.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các xã, phường, nhiều doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thành phố cũng tích cực hưởng ứng trồng rừng lim, giổi, lát nhằm chung tay nhân lên những cánh rừng gỗ lớn.
Theo thống kê của thành phố, đến hết tháng 10/2023, có 25 đơn vị hỗ trợ kinh phí mua cây giống để trồng rừng và tham gia trồng rừng lim, giổi, lát với số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Trong đó, đợt 1 các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường hỗ trợ kinh phí là 651 triệu đồng. Số kinh phí này đã được UBND các xã tiếp nhận, sử dụng mua cây giống để trồng rừng gỗ lớn ngay từ đầu năm.
Đợt 2, các doanh nghiệp hỗ trợ 935 triệu đồng và dự kiến sẽ trồng khoảng 92,5ha rừng gỗ lớn. Đối với số tiền do các doanh nghiệp hỗ trợ, hiện các xã đã tiếp nhận kinh phí để thực hiện mua cây giống trồng rừng. Tuy nhiên, do thời tiết hanh khô, gió mùa Đông Bắc đến sớm, không có mưa nên đến nay các xã chưa thể tổ chức trồng rừng.
Bên cạnh nguyên nhân về thời tiết, việc gặp vướng mắc trong các quy định về trồng rừng thay thế cũng khiến cho việc trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là những vướng mắc liên quan đến diện tích trồng rừng gỗ lớn của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ. Năm 2023, Công ty được giao chỉ tiêu trồng 120ha rừng gỗ lớn. Để có mặt bằng trồng rừng, ngay từ năm 2022, Công ty hoàn thiện hồ sơ lập phương án xin khai thác 84ha rừng trồng keo bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, nhưng phương án chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Qua rà soát đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để trồng rừng gỗ lớn từ nguồn vốn trồng rừng thay thế, Công ty đã báo cáo Sở NN&PTNT đăng ký trồng 26ha. Tuy nhiên, ngày 30/12/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BNN&PTNT “quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác” thì diện tích đất trống quy hoạch phòng hộ nêu trên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ quản lý không thuộc đối tượng thực hiện trồng rừng thay thế, nên không thể thực hiện trồng 26ha nêu trên. Đối với nội dung này, UBND TP Hạ Long đã có văn bản báo cáo, đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT xem xét, tháo gỡ. Do gặp những vướng mắc trên, hiện Công ty mới trồng được 36,4ha loài cây lim xanh.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Hiện trên địa bàn TP Hạ Long còn khoảng 92,5ha có khả năng trồng rừng gỗ lớn lim, giổi, lát. Cụ thể, đối với các xã: Tân Dân 3,5ha; Bằng Cả 10ha; Dân Chủ 1ha; Sơn Dương 5ha; Đồng Lâm 30ha; Kỳ Thượng 33ha; Đồng Sơn 10ha. Toàn bộ diện tích này đã có kinh phí mua cây giống từ sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong đợt 2, ngay khi thời tiết thuận lợi TP Hạ Long sẽ tổ chức phát động trồng. Thành phố cũng rất mong tỉnh và Sở NN&PTNT sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đảm bảo việc trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn thành phố hoàn thành theo đúng chỉ tiêu được giao.