Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) mà nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước được đánh giá đã có chuyển biến tích cực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu phát triển kinh tế tập thể, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ để các HTX nông nghiệp phát triển bền vững hơn.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể
Thời gian qua, huyện Lộc Ninh luôn coi trọng việc phát triển bền vững mô hình kinh tế HTX và tổ hợp tác, qua đó góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội đề ra. Tuy nhiên, để các mô hình kinh tế hợp tác phát triển bền vững cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.
Liên kết sản xuất, áp dụng khoa học – kỹ thuật nhằm tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên là mục tiêu HTX trang trại chăn nuôi Lộc An, ấp 54, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh hướng đến. HTX thành lập tháng 8-2023 với 10 thành viên trong Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi gia súc tự nguyện và hợp tác tương trợ lẫn nhau. Phấn khởi khi tham gia HTX, anh Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Trước đây, khi chưa tham gia HTX, gia đình tôi cũng như những thành viên tại đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như giá đầu ra chưa cao vì bị thương lái ép giá. Từ khi tham gia HTX, các thành viên được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cùng bàn để chọn con giống chất lượng, giá trị cao hơn để phát triển, từ đó thu nhập cũng như chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn”.
Để nâng cao hiệu quả quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP, HTX lựa chọn con giống có nguồn gốc, cho năng suất, chất lượng cao; đầu tư xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, hạn chế dịch bệnh; đặc biệt là sản xuất chú trọng sản phẩm sạch, an toàn.
Đưa chúng tôi đi thăm khu trang trại đang chăn nuôi hơn 1.500 con dê và 160 con bò có nguồn gốc giống nước ngoài siêu thịt, Giám đốc HTX trang trại chăn nuôi Lộc An Lưu Văn Bình cho biết: “Khi thành lập HTX, bước vào môi trường chuyên nghiệp hơn, chúng tôi càng nỗ lực phấn đấu để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như khẳng định chỗ đứng của mình. Với sự chung sức, đồng lòng của mỗi thành viên, tin rằng HTX ngày càng quy mô, hoạt động hiệu quả hơn”.
Còn HTX nông nghiệp – thương mại – dịch vụ Lộc An, ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh thành lập từ năm 2020 với sự tham gia của 25 thành viên chuyên canh về các loại cây trồng như: sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh trên tổng diện tích hơn 71 ha. Hiện nay, HTX đã liên kết với doanh nghiệp xuất – nhập khẩu ở tỉnh Bình Dương tổ chức thu mua sản phẩm của các thành viên. Với 4 ha canh tác cây sầu riêng, ông Dương Quang Đông, thành viên HTX cho biết: “Chúng tôi vào HTX chỉ mong muốn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và phương pháp chăm sóc cây trồng. Đồng thời, việc tổ chức sản xuất theo nhóm là để có giấy chứng nhận xuất xứ nhằm làm ra sản phẩm có chất lượng tốt và được giá hơn”.
Theo thống kê, đến nay huyện Lộc Ninh có 43 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 41 HTX nông nghiệp. Mô hình kinh tế tập thể đã và đang nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm, giúp các nông hộ thành viên nâng cao thu nhập.
Cần chính sách hỗ trợ cụ thể
Những năm qua, các HTX nông nghiệp đã phát huy tối đa thuận lợi sẵn có, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, đa số thành viên HTX còn thiếu và yếu trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào, kỹ thuật và đầu ra để mở rộng sản xuất theo chuỗi sản phẩm có giá trị.
Theo Phó Giám đốc HTX nông nghiệp – dịch vụ – thương mại Lộc An Đoàn Xuân Hùng, HTX mới thành lập và mỗi thành viên tự học hỏi kinh nghiệm trong canh tác rồi áp dụng vào sản xuất, chưa theo đúng các tiêu chuẩn VietGAP… Dù HTX đã cố gắng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân nhưng sản lượng hàng hóa tiêu thụ còn phụ thuộc vào thương lái. Vì vậy, HTX mong muốn được hỗ trợ, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản bảo đảm hiệu quả. “Các HTX nông nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ pháp lý về vùng trồng, chứng nhận canh tác, chăn nuôi theo hướng VietGAHP và xây dựng thương hiệu để phát triển mô hình kinh tế tập thể bền vững hơn” – anh Hùng bộc bạch.
Với phương châm hoạt động là lựa chọn giống có nguồn gốc, năng suất, chất lượng cao và chăn nuôi theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế; thế nhưng, để phát triển chăn nuôi bền vững, các HTX cần có thêm nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng chuồng trại, mua con giống… Giám đốc HTX trang trại chăn nuôi Lộc An Lưu Văn Bình trăn trở: “HTX nào cũng muốn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, chăn nuôi, vì nếu vay vốn ở các ngân hàng thương mại hay ở ngoài thì lãi suất rất cao, không mang lại hiệu quả kinh tế. Riêng đối với HTX trang trại chăn nuôi Lộc An, thì đây là mô hình đầu tiên ở Bình Phước chăn nuôi giống bò có nguồn gốc nước ngoài siêu thịt và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAHP nên cần nguồn vốn lớn. Nếu được tiếp cận vốn vay ưu đãi, HTX sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, diện tích trồng cỏ… đến người dân ở khu vực biên giới Lộc An”.
Để HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững thì các địa phương cần linh hoạt trong việc áp dụng chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, đặc biệt là phát triển hạ tầng nông thôn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP và dành nguồn vốn ưu đãi cho thành viên HTX phát triển sản xuất…