Từ đầu năm đến nay, du lịch Quảng Ninh đón trên 14 triệu lượt du khách, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh phát huy lợi thế hạ tầng giao thông, đổi mới sản phẩm, tăng sức hấp dẫn điểm đến, Quảng Ninh chú trọng liên kết, mở rộng hợp tác phát triển. Trong đó, xây dựng các gói sản phẩm liên vùng, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đa dạng và hạ tầng giao thông đồng bộ, sẵn có.
Từ ngày 16-19/11, tỉnh Quảng Ninh tổ chức thành công Lễ hội Hokkaido và các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản tại Quảng Ninh. Trong khuôn khổ của sự kiện, liên kết, hợp tác phát triển du lịch là một trong những nội dung quan trọng được hai địa phương thảo luận và trao đổi sâu sắc. Hai địa phương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến quảng bá điểm đến thông qua các phương tiện truyền thông: Truyền hình, website, fanpage… Đồng thời, tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, nhất là các đoàn famtrip, tổ chức roadshow quảng bá du lịch, đặc biệt nghiên cứu phát triển đường bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và sân bay Chitose.
Trong khuôn khổ Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long, ông Koganezawa Kenji, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Du lịch Hokkaido, nhấn mạnh: Quảng Ninh và Hokkaido có rất nhiều điều kiện du lịch tương đồng và cơ hội phát triển. Đặc biệt, mùa đông ở Hokkaido rất lạnh, chúng tôi mong muốn có thể đưa nhiều người dân Hokkaido đến Quảng Ninh để tránh rét, thưởng thức không khí ấm áp và ngược lại, đưa người dân Quảng Ninh đến Hokkaido để trải nghiệm tuyết rơi và các bộ môn thể thao mùa đông của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng việc kết nối giữa hai địa phương hoàn toàn khả thi và mở ra nhiều kế hoạch hợp tác thú vị trong tương lai.
Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, liên kết được đánh giá là một trong những định hướng quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Liên kết hiệu quả, bền vững giúp du lịch các địa phương không những “đi xa” mà còn “đi nhanh”, “đi cùng nhau”. Theo nhận định của ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, liên kết là yêu cầu khách quan trong phát triển du lịch. Liên kết giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội liên địa phương, liên vùng.
Bám sát định hướng đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã liên kết, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Ninh Bình, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và những địa phương phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Với TP Hồ Chí Minh, trong mùa hè vừa qua, các hãng lữ hành như TST Tourist đã đưa khoảng 10.000 lượt khách đến Quảng Ninh. Dòng khách chủ yếu từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, khám phá Quảng Ninh 3 ngày 2 đêm, 4 ngày 3 đêm. Không chỉ tổ chức các hoạt động teambuilding tại bãi biển như truyền thống, mỗi đoàn có những hoạt động phù hợp với đặc thù du khách từng vùng, miền ở những địa điểm khác nhau để tạo sự mới mẻ.
Theo chị Mai Thanh Thúy, Trưởng Phòng Kinh doanh du lịch – lữ hành (VTTC Travel chi nhánh Quảng Ninh), Quảng Ninh có lợi thế Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, các thắng cảnh biển đảo, các khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, du lịch đô thị. Đặc biệt, cơ sở vật chất du lịch của Quảng Ninh rất tốt, giúp du khách có nhiều lựa chọn và mức giá phù hợp. Không những thế, với việc sở hữu cả tài nguyên du lịch rừng và biển, chúng tôi dễ dàng xây dựng các tour tuyến với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, hấp dẫn du khách.
Đối với thị trường quốc tế, tỉnh đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách năm 2023. Bên cạnh các thị trường truyền thống, như: Khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, tỉnh Quảng Ninh quan tâm và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để khai thác, đón các dòng khách Ấn Độ, Hồi giáo. Nhiều đoàn fam trip Ấn Độ đã đến Quảng Ninh để khảo sát cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch và đưa ra những nhận định khả quan về việc đưa khách đến đây. Ông Shammi Singh Thakur, đại diện hãng lữ hành Travel Seasons (Ấn Độ) cho biết: Quảng Ninh là tỉnh tiên phong của miền Bắc đón đầu xu hướng du lịch Ấn Độ và du khách Halal. Hiện đang có nhiều đơn vị du lịch của Quảng Ninh quan tâm tiếp cận dịch vụ du lịch dành cho khách Halal giúp chúng tôi có thêm nhiều lựa chọn để giới thiệu đến du khách. Từ đó, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hàng đầu tại Việt Nam đối với dòng khách này.
Ngoài ra, ngành Du lịch cũng tích cực triển khai đa dạng các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch, như: Hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với 3 tỉnh Bắc Lào; tổ chức hội nghị trực tuyến về du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); làm việc với đối tác giải đua thuyền buồm Clipper, triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Liên minh du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF)…
Thời gian tới, ngành Du lịch Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng để giảm chi phí, hạ giá thành; xây dựng các chương trình quảng bá chào bán sản phẩm thu hút khách mùa xuân hè. Quảng Ninh sẽ mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố, là đầu mối kết nối các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; ngày hội du lịch. Ðồng thời, tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các địa phương trong nước có khả năng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn, như: Ðà Nẵng, Phú Quốc và các thị trường nước ngoài như khu vực Ðông Nam Á; Hàn Quốc, Nhật Bản… để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.