Ngày 22/11, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh họp thống nhất ban hành nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, trong đó xác định chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Hội nghị cũng nghe và cho ý kiến một số nội dung Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIV thuộc thẩm quyền BCH Đảng bộ tỉnh; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Cho ý kiến theo thẩm quyền về nội dung, chương trình trình Kỳ họp thứ 16 – kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 theo Quy chế 08 ngày 28/6/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh, BCH Đảng bộ tỉnh giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo Thường trực, các ban HĐND tỉnh rà soát các nội dung trình Kỳ họp bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định; tổ chức thẩm tra kỹ lưỡng các nội dung trình bảo đảm chất lượng, đúng trình tự, thủ tục, đủ điều kiện trình tại Kỳ họp, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật.
BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất cao với chủ trương đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cơ sở 2 tại phường Hồng Hà và Hà Tu, TP Hạ Long. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.080 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, với quy mô 1.000 giường bệnh, 48 khoa phòng trên tổng diện tích 10ha, gồm các hạng mục: Khối các công trình chính, khối công trình phụ trợ, khu nhà đại thể, khoa bệnh nhiệt đới và hạ tầng kỹ thuật cây xanh, giao thông, hàng rào. Đây là một tổ hợp công trình đồng bộ, hiện đại, tiên tiến về công nghệ ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khám, điều trị, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; là cơ sở nghiên cứu thực hành cho đào tạo, hợp tác quốc tế đạt tiêu chuẩn bệnh viên đa khoa hạng I, từng bước thu hút cả bệnh nhân nước ngoài tới khám, điều trị.
Về phương án quản lý sử dụng cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại phường Bạch Đằng được bố trí làm cơ sở 1 và bố trí các phòng điều dưỡng, quản lý chất lượng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phần còn lại sẽ bố trí cho Bệnh viện Sản Nhi cơ sở 2 phù hợp với quy hoạch của tỉnh.
Cũng tại hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo phương án đầu tư tuyến đường mới từ nút giao cầu Tình Yêu tới đường dẫn cầu Cửa Lục 3, TP Hạ Long. Tuyến đường nằm trong quy hoạch tỉnh, Quy hoạch thành phố Hạ Long đã được Chính phủ phê duyệt. Điểm đầu ở nút giao cầu Tình Yêu và điểm cuối ở cầu Cửa Lục 3. Quy mô toàn tuyến dài 9,5km. Trong đó, chiều dài tuyến chính 7,95km và tuyến nhánh từ cầu Cửa Lục 2 đến Quốc lộ 279 là 1,56km. Mục tiêu đầu tư nhằm thúc đẩy giao thông liên vùng; hoàn chỉnh hệ thống giao thông của TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung; góp phần thu hút và phát triển tiềm năng du lịch của TP Hạ Long, tạo ra tổng thể cảnh quan kiến trúc đô thị của một thành phố du lịch.
BCH Đảng bộ tỉnh yêu cầu, căn cứ quy hoạch tỉnh, quy hoạch thành phố, đặc biệt là Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, TP Hạ Long cần tiếp tục khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá đúng hiện trạng, nghiên cứu dự án đặt trong tổng thể của vịnh Cửa Lục liên quan tới mặt nước, cây xanh, việc kết nối hệ thống giao thông để định hình rõ hướng tuyến, quy mô, giải pháp, nhằm hạn chế tác động tối đa vào rừng ngập mặn. Đồng thời, tính toán kỹ quy mô, lộ trình, chi phí, gắn với khai thác được lợi thế của vịnh Cửa Lục, theo hướng bền vững để phục vụ phát triển kinh tế, phát triển sản xuất.
Thảo luận về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Sau 3 năm thực hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định là một ngành quan trọng trong nền kinh tế và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh.
Các mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư, số lao động vượt mục tiêu đề ra. Phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, CCN để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo được định hướng cụ thể theo các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngành nghề thu hút đầu tư trong một số KCN theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển và bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng. Bên cạnh đó, môi trường KCN được chú trọng, thực hiện đảm bảo yêu cầu các KCN đi vào hoạt động đều có trạm xử lý nước thải và hệ thống quan trắc tự động.
Đặc biệt, từ khi triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước cải thiện về giá trị gia tăng, tỷ trọng đóng góp trong GRDP và tốc độ tăng trưởng của ngành đang dần bắt kịp với sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh duy trì ở mức khá (năm 2021 đạt 30,73%, 2022 đạt 16,54%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 12,57%), cao hơn so với tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố Hà Nội.
Qua các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01, trong đó, năm 2024, phấn đấu thu hút 3 tỷ USD.
Tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách; tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy các KCN, KKT, trọng tâm là KKT Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, KCN Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong… Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm.
Về nhiệm vụ, giải pháp, cần tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chỉ đạo đã có của Tỉnh ủy liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, đủ điều kiện sẵn sàng thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đặc biệt là tại khu vực, diện tích đất đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài KCN, KKT. Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thi công các dự án hạ tầng KCN.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Để hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2024 và 3 chỉ tiêu xây dựng Đảng, 12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội – môi trường, BCH Đảng bộ tỉnh xác định phải triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp đã xác định trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết năm 2024 với chủ đề công tác năm: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chuẩn bị vững chắc bảo đảm tính kế thừa, đổi mới và phát triển đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hành dân chủ thực chất, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, niềm tự hào, khát vọng “xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện, đặt con người vào vị trí trung tâm, vì hạnh phúc của nhân dân; nâng cao chất lượng phát triển, chất lượng tăng trưởng đi liền với giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số với 3 trụ cột: Tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới; phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại; triển khai đồng bộ, quyết liệt và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với bảo đảm chất lượng dự án, công trình, thời gian hoàn thành.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng; cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh của cả giai đoạn 2020-2025 và xa hơn nữa.
Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trọng tâm là quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Giữ vững thành quả xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên phạm vi toàn tỉnh gắn với đô thị hóa đi vào chiều sâu hiệu quả, bền vững; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo tiêu chí của tỉnh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác phát triển; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, lành mạnh, bảo đảm mọi người dân được hưởng cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.
“Để thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên đòi hỏi nội bộ phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững tinh thần cải cách đổi mới, sáng tạo trong khâu tổ chức thực hiện; chính trị – xã hội phải ổn định; tổ chức, cán bộ phải tốt; lòng dân phải yên; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, “5 thật”, “6 dám” – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Trong triển khai toàn diện các nhiệm vụ, phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; rõ người, rõ việc, rõ nguồn lực, rõ kết quả và rõ lộ trình hoàn thành từng công việc; vừa tập trung vào những vấn đề cấp bách đặt ra, vừa chú trọng các chủ trương lớn mang tính chiến lược, lâu dài, chuẩn bị vững chắc nền tảng kinh tế kỹ thuật cho cả giai đoạn 2025-2030. Luôn chủ động bám sát, nắm chắc, tiếp thu, sáng tạo, cụ thể hóa và hiện thực hoá chủ trương của Trung ương, của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, bối cảnh và tình hình cụ thể, lợi thế riêng của địa phương, chủ động phối hợp chặt chẽ và tận dụng tối đa sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương và các địa phương, sở, ngành. Chú trọng khâu kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết cũng như động viên, khen thưởng kịp thời để tiếp tục nhân lên sức mạnh; đồng thời góp phần ngăn chặn những hạn chế, yếu kém, sai phạm để sửa chữa, phòng ngừa, tạo sự đồng bộ, thông suốt trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.