Tại Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa diễn ra, du lịch Phú Quốc đã trở thành từ khóa “hot” khi nhiều chuyên gia liên tiếp đề cập tình trạng trồi sụt về lượng khách du lịch đến “đảo ngọc” thời gian qua. Trường hợp của Phú Quốc cũng là bài học để du lịch Việt Nam tìm cách “xốc lại” mọi mặt nhằm thu hút khách, tiến tới phát triển nhanh, bền vững hơn.
Những năm gần đây, Phú Quốc liên tục nằm trong danh sách các điểm đến được yêu thích nhất của du khách trong nước, quốc tế. Năm 2022, dù có những thời điểm tour Phú Quốc còn đắt hơn tour quốc tế đến các nước lân cận, nhưng du lịch đảo ngọc vẫn bùng nổ với 5,1 triệu lượt khách, tương đương thời điểm trước dịch Covid-19.
Bài học từ quản lý
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, điểm đến được coi như Maldives của Việt Nam đã đánh mất vị trí tốp đầu khi lượng khách tới đây giảm mạnh. Ngay trong những dịp lễ lớn, du lịch Phú Quốc vẫn đối mặt với tình trạng ảm đạm. Dịp lễ 30/4-1/5 năm nay, khách quốc tế tới Phú Quốc tăng 9% nhưng khách nội địa giảm 9,4% so với cùng kỳ. Dịp lễ 2/9, lượng khách nội địa giảm 32,9% so với cùng kỳ và khách quốc tế cũng suy giảm, công suất phòng chỉ đạt khoảng gần 30%.
Theo Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, đây là “tình trạng khá gay go” đặt ra cho Phú Quốc cũng như một số điểm đến du lịch lớn của Việt Nam. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, thời gian qua, du lịch nội địa đã chứng minh được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, nhất là trong những lúc khó khăn, nhưng du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống, đặc biệt ở một số điểm du lịch lớn.
“Chúng ta phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, có lúc rất tốt, tưởng rằng sẽ bứt phá rồi lại suy giảm như vậy? Chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước. Không chỉ riêng ngành du lịch, mỗi hệ thống có lẽ phải có trách nhiệm với vấn đề này” – ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Chúng ta phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, có lúc rất tốt, tưởng rằng sẽ bứt phá rồi lại suy giảm như vậy? Chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước. Không chỉ riêng ngành du lịch, mỗi hệ thống có lẽ phải có trách nhiệm với vấn đề này.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam
Vị chuyên gia này đánh giá, đối với kích cầu, du lịch Việt Nam mới chỉ kích được giai đoạn đầu khiến du lịch bùng lên sau Covid-19, nhưng sau này “cầu” ấy không được tiếp nối, người dân bắt đầu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” nên không đi theo kiểu bùng lên như trước. Đối với các địa phương, doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm của du lịch, vấn đề quảng bá rất quan trọng. Nếu không phát huy được sáng kiến địa phương, không tạo ra được động lực mới cho các doanh nghiệp thì sẽ mất thời cơ. Như hình ảnh Phú Quốc, Hạ Long mà giảm đi thì ảnh hưởng đến toàn bộ du lịch quốc gia.
Lý giải nguyên nhân “ế” khách đến Phú Quốc thời gian qua, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho rằng, bên cạnh tác động tiêu cực của tình hình thế giới, cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến…, thì giá vé máy bay cao cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách.
“Giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… và cả đường bay quốc tế đến Phú Quốc luôn cao hơn các địa phương khác, kể cả trong ngày thường chứ không riêng dịp lễ, Tết. Có những thời điểm một vé khứ hồi chặng Hà Nội-Phú Quốc có giá trên 10 triệu đồng”, ông Thành thông tin.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, giá vé máy bay cao chỉ là một phần, bởi thời gian qua, du lịch Phú Quốc còn nhận về những phàn nàn liên quan cảnh quan, môi trường du lịch, kiểu kinh doanh “ăn xổi”…
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) nhận định, vấn đề quản lý điểm đến tại các địa phương hiện nay khá kém. “Chúng ta nói nhiều về Phú Quốc, “kêu” là các hãng du lịch, các hãng hàng không giá cao, nhưng bản chất chúng ta quản lý các điểm đến và môi trường của điểm đến chưa tốt. Chúng ta phải nhìn vào khuyết điểm của các địa phương để thấy việc quản lý điểm đến như thế này thì rất khó thu hút khách du lịch”, ông Kỳ nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất quản lý điểm đến bằng tiêu chuẩn “Go Green”, bao gồm 4 yếu tố chính Xanh-Sạch-Sáng-Sống. Trong đó, Sáng nghĩa là chỗ nào cần sáng thì phải chiếu sáng, cũng có nghĩa là sáng lạn; Sống là người dân sống được, du lịch sống được, và cũng có nghĩa là sống động. “Nếu chúng ta chỉ nói chung chung mà không có tiêu chí cụ thể thì phấn đấu rất khó”- ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ.
Mới đây, nhằm khắc phục tình trạng sụt giảm khách, Ủy ban nhân dân Thành phố Phú Quốc đã ban hành Kế hoạch Triển khai chuỗi hoạt động kích cầu du lịch Phú Quốc, với mục đích thống nhất trong nhận thức và hành động từ hệ thống các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thành phố đến các xã, phường, các doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch Phú Quốc theo phương châm “đặc sắc-chuyên nghiệp-an toàn-sạch, đẹp-văn minh”. Kế hoạch gồm hàng loạt sự kiện, hành động như: Tổ chức chiến dịch truyền thông “WOW Phú Quốc”; Truyền thông về “Mùa vàng Phú Quốc”; Tổ chức “Ngày Phú Quốc” tại các thị trường trọng điểm trong nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; Xây dựng website “WOW Phú Quốc”; Truyền thông quốc tế về điểm đến Phú Quốc; Xây dựng lịch sự kiện của Phú Quốc;… cùng các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch.
|
Đưa Việt Nam thành điểm đáng đến của du khách
Bên cạnh bài học về quản lý điểm đến mà Phú Quốc là ví dụ điển hình, tại hội nghị, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam, đồng thời “hiến kế” để du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính khiến du lịch Việt Nam không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế là do công tác xúc tiến du lịch triển khai còn chậm và ít hiệu quả. Việc triển khai xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới bị bỏ qua (WTM London, JATA Tokyo Nhật Bản) hoặc tham gia cầm chừng (chỉ địa phương tham gia) khiến hình ảnh du lịch Việt Nam mờ nhạt so với quốc tế.
“Chúng ta cần cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Đề nghị đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để đẩy mạnh những hoạt động mà chúng tôi vừa đề xuất”, ông Bình nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Sun Group Nguyễn Thái Hoài Anh cho rằng, ngân sách quảng bá du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Lãnh đạo Tập đoàn Sun Group đề xuất, các cơ quan ngoại giao, truyền thông Việt Nam tại nước ngoài cần đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài thông qua các hoạt động truyền thông, hội nghị xúc tiến điểm đến, đặc biệt với thị trường quốc tế trọng điểm.
“Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ưu tiên ngân sách, đồng thời huy động nguồn lực từ các Hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hàng không trong việc xúc tiến quảng bá tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Âu, Úc, Châu Mỹ…”, bà Hoài Anh đóng góp ý kiến.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động nhiều nguồn lực trong quảng bá, xúc tiến du lịch, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho rằng, cần xây dựng chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch có độ dày và rõ ràng, có cơ quan theo dõi, đốc thúc và bảo đảm công tác triển khai. Không thể chỉ một mình Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mà còn cần sức mạnh của nhiều ngành liên quan, của các bộ, ngành và của chính doanh nghiệp.
Muốn mời khách đến chơi nhà, cửa nhà phải rộng mở. Đó là lí do khiến việc cải thiện chính sách visa cũng là giải pháp được nhiều đại biểu đề cập nhằm thu hút mạnh mẽ hơn du khách quốc tế đến Việt Nam.
Trong 5 đề xuất nhằm tạo ra đột phá phục hồi và phát triển du lịch trình bày tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu giải pháp đầu tiên là: Nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm; Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu…
Cùng với đó là xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế; Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu; Tối ưu hóa, đơn giản hoá quy trình xin cấp thị thực điện tử, đảm bảo giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác, hiển thị thông báo cụ thể về thời gian trả kết quả thị thực.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, như: đẩy mạnh liên kết toàn diện; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch đặc sắc.