Quảng Yên là vùng đất có truyền thống hiếu học cho nên đã từng tồn tại nhiều di tích lịch sử văn hóa tôn vinh đạo học của cha ông xưa. Văn chỉ Khê Chanh là tên dân gian quen gọi của Văn từ Khê Chanh, ngôi đền được xây để thờ Khổng Tử và 29 vị tiên hiền học hành thi cử đỗ đạt trong vùng. Đây là nơi thờ phụng, tín ngưỡng, đồng thời làm nơi khuyến học của phường Quảng Yên ngày nay.
Văn chỉ Khê Chanh nằm trên địa phận Khu Bãi, phường Quảng Yên (TX Quảng Yên) được xây dựng từ cuối thế kỷ 18. Thực chất Văn chỉ có nguồn gốc từ Văn Thánh miếu (do nhà vua lập ra) ở Quảng Yên được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, thờ Khổng Tử và tứ phối (gồm Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử) và 10 vị học trò tài giỏi khác của Khổng Tử để chăm lo việc học cho nhân dân lộ An Bang (sau là trấn Yên Quảng rồi đến tỉnh Quảng Yên).
Đồng thời, với sự ra đời Văn Thánh miếu ở đây, khoảng cuối thế kỷ 17, hầu hết 23 làng cổ đều xây dựng văn từ, văn chỉ để thờ 29 người học hành đỗ đạt của làng. Văn chỉ Khê Chanh được xây dựng trong bối cảnh đó, vốn thuộc xã Quỳnh Lâu, huyện Yên Hưng, lộ An Bang, cách Văn Thánh miếu do nhà vua lập chừng một cây số. Tương truyền, Văn chỉ Khê Chanh xưa được xây bằng gạch, có 5 gian, gồm 3 gian chính và 2 chái. Gian giữa và hậu cung thờ Khổng Tử. Các gian bên tả và bên hữu phối thờ học trò của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử. Phía đầu hồi bên trái có một tấm bia cỡ lớn mang tên “Khê Chanh hương hiền bi” (bia ghi tên những người hiền của làng Khê Chanh) ghi danh 29 người con đỗ đạt của làng. Bia tạc bằng đá xanh, cao 77cm, rộng 60cm, đặt trên lưng con rùa, bia được khắc chữ Hán hai mặt. Văn bia là hiện vật cổ nhất ở Văn chỉ Khê Chanh. Mặt trước tấm bia đá là danh sách 29 vị hiền tài đỗ đạt của làng Khê Chanh. Thời gian khắc bia đá là năm Thiệu Trị năm thứ 6, năm Bính Ngọ (1846).
|
Trước sự thăng trầm của lịch sử, sự băng hoại của thời gian, mưa bão, Văn chỉ Khê Chanh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ mái Văn chỉ đã bị sập, tường bị nứt, đổ nhiều chỗ. Hiện vật hầu như chẳng còn gì ngoài tấm bia đá kể trên. Năm 2008, Văn chỉ được nhân dân địa phương đóng góp tiền bạc, công sức để phục dựng để làm nơi tôn vinh khuyến học, khuyến tài của địa phương. Năm 2009, công trình được hoàn thành. Văn chỉ Khê Chanh ngày càng có ý nghĩa trong việc tôn vinh đạo học, biểu dương người đỗ đạt trong truyền thống cũng như hiện tại. Đó chính là nét sinh hoạt văn hoá độc đáo vẫn được lưu giữ ở đây.
Trước kia có Hội Tư văn và ngày nay có Ban Quản lý di tích và Hội Khuyến học của phường Quảng Yên vừa quản lý di tích vừa chăm lo công tác khuyến học của địa phương. Vào tháng 2, tháng 8 hàng năm, theo truyền thống sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng ở Văn chỉ Khê Chanh, Ban Quản lý di tích và Hội Khuyến học phường Quảng Yên cùng dân làng Khê Chanh tổ chức tế lễ hai kỳ, gọi là xuân thu nhị đình. Cũng vào ngày này ở Văn chỉ, Hội Khuyến học tổ chức khen thưởng cho con em địa phương đỗ đạt cao, đạt học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Năm 2014, Văn chỉ Khê Chanh được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đây là một sự tôn vinh xứng đáng và cũng là minh chứng khẳng định Quảng Yên xưa là vùng đất có truyền thống hiếu học lâu đời.
Cũng tại Quảng Yên đã từng có một văn miếu được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại núi Long Nhãn, thôn Khê Chanh. Năm 1829, triều đình đã cho Quảng Yên xây dựng lại Văn thánh miếu và Nhà học chính tại Quỳnh Lâu (khu vực cơ quan Sư đoàn 395, Quân khu 3, thuộc địa phận phường Cộng Hòa hiện nay) để đào tạo sĩ tử và quan lại. Do nhu cầu học hành ngày một tăng, sau này Nhà học chính được nâng lên thành Trường Huấn đạo. Năm 1849, Trường Huấn đạo được đổi thành Giáo thụ đào tạo tú tài. Trong trường học có xây Văn thánh miếu, thường gọi là Văn miếu, thờ đức Khổng Tử và các tiền nhân để khuyến khích việc học hành.
Sau này, khi thực dân Pháp chiếm thành Quảng Yên đã xây trại lính khố đỏ trong thành (nay là Lữ đoàn hải quân 147) và xây trại khố xanh ở khu Văn thánh miếu và Trường Giáo thụ. Nhân dân chuyển Trường Giáo thụ đến khu Chợ Rộc. Đến nay, Văn miếu và Trường Giáo thụ không còn phế tích nhưng văn miếu vẫn tồn tại trong tâm thức những người già ở Quảng Yên.
Người dân Quảng Yên vẫn còn gọi nơi Sư đoàn 395 đóng quân là trại lính văn miếu. Hiện nay, hiện vật về Văn miếu chỉ còn 2 tấm bia đá. Một tấm đặt tại Bảo tàng Bạch Đằng. Tấm bia còn lại có đề 6 chữ Hán “Tiền giám sinh quan chức bi” (bia ghi quan chức giám sinh triều trước) nhưng đã bị mất tích, chỉ còn nội dung bia được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.