Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (sửa đổi), Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung các quy định để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông, như không cho tham gia đấu giá một số lần tiếp theo nếu bỏ tiền đặt cọc và các biện pháp khác mà pháp luật về đấu giá tài sản cho phép.
Chiều 14/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô…
Ngày 25/10/2023, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đã có 11 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 1 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản.
|
Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thoả thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và được thực hiện theo pháp luật về dân sự.
Để tăng cường kiểm soát, xử lý việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu bổ sung quy định, chế tài xử lý việc bỏ tiền đặt cọc vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc. Khoản 4 Điều 48 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (sửa đổi), Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung các quy định để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc như không cho tham gia đấu giá một số lần tiếp theo nếu bỏ tiền đặt cọc và các biện pháp khác mà pháp luật về đấu giá tài sản cho phép.
Bảo đảm tương thích với Luật Phí và lệ phí về thu phí sử dụng số hiệu mạng
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ việc các tổ chức quốc tế, khu vực hiện nay thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng có làm ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam không; Việt Nam có thu phí số hiệu mạng không, nếu có đề nghị đánh giá tác động bổ sung.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện đã triển khai việc thu lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng đối với tên miền “.vn”, địa chỉ Internet (quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành theo Phụ lục 1 Luật Phí và Lệ phí). Luật Phí và Lệ phí chưa quy định về lệ phí đăng ký sử dụng, phí duy trì sử dụng số hiệu mạng vì từ trước đến nay, tổ chức quản lý địa chỉ Internet/số hiệu mạng khu vực Châu Á – Thái bình Dương (APNIC) không thực hiện việc thu phí số hiệu mạng.
Tuy nhiên, APNIC vừa thông báo kế hoạch điều chỉnh các khoản thu đối với tài nguyên Internet, theo đó, sẽ thực hiện thu phí số hiệu mạng từ ngày 1/1/2025. Chính sách của APNIC sẽ miễn phí đối với 2 số hiệu mạng đầu tiên, từ số hiệu mạng thứ 3 trở đi sẽ phải đóng phí đăng ký 500 đô la Úc/1 số hiệu mạng và phí duy trì là 100 đô la Úc/một năm.
Qua rà soát, cho thấy tính đến tháng 10/2023, trong số 614 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký sử dụng số hiệu mạng, chỉ có 4 doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí sử dụng số hiệu mạng theo chính sách mới của APNIC.
“Do đó, việc bổ sung quy định thu phí, lệ phí số hiệu mạng sẽ tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của tổ chức quốc tế nhằm đảm bảo duy trì hoạt động mạng, dịch vụ Internet”, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ việc thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng và phí duy trì này là thu hộ tổ chức quản lý địa chỉ Internet, số điện thoại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay thu nộp vào ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nếu thu hộ sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí, bởi Luật Phí và lệ phí quy định rất rõ: phí, lệ phí quy định tại Luật này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước và không chịu thuế.
Nếu Luật Viễn thông quy định thực hiện đúng cam kết quốc tế khi chúng ta sử dụng kho số tài nguyên được được phân bổ, chứ không phải nộp ngân sách thì không cần sửa trong Luật Phí và lệ phí.
Giải trình thêm về nội dung trên, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, Điều 3 của Luật Phí và lệ phí đã quy định rõ khái niệm phí, lệ phí và không phải quy định ở Luật Ngân sách.
Theo đó, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí và lệ phí kèm theo luật này.
Lệ phí là khoản tiền được ấn định và các tổ chức, cá nhân phải nộp khi các cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công phục vụ công việc quản lý Nhà nước được quy định trong danh mục phí và lệ phí ban hành theo luật này.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, nếu không quy định phí và lệ phí trong luật này để điều chỉnh danh mục lệ phí thì sẽ không thu được. Vì vậy, Thứ trưởng Tài chính đề nghị quy định nội dung này trong dự thảo Luật để có nguồn trả cho tổ chức quản lý địa chỉ Internet/số hiệu mạng khu vực Châu Á – Thái bình Dương (APNIC).
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, về cơ bản hồ sơ dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Việc rà soát tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến trao đổi giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm.
Các ý kiến giải trình, tiếp thu cơ bản hợp lý, đến nay cơ bản đạt đồng thuận cao về những vấn đề lớn. Dự thảo Luật có chất lượng tốt đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo. Trong đó có cả những nội dung mà đã được tiếp thu, chỉnh lý như vấn đề tài nguyên viễn thông.
Đồng thời, làm rõ thêm một số nội dung như: nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý quy định tại Điều 50 về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông; về đấu giá quyền sử dụng tên miền quốc gia để quy định rõ đấu giá là theo phương thức trả giá lên và đồng thời bảo đảm việc xử lý tài nguyên viễn thông là tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành công để bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Đấu giá tài sản.
Về thu phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần rà soát để bảo đảm tương thích giữa Luật này với Luật Phí và lệ phí và Luật Quản lý thuế.