Đầu tháng 11, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi với mức giảm khá thấp, từ 0,1 – 0,2% so với biểu lãi suất kỳ trước. Thế nhưng trái ngược với lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, đặc biệt là lãi suất nợ cũ và lãi suất thả nổi.
Lãi suất 6%/năm biến mất khỏi kỳ hạn 12 tháng
Tính đến ngày 8/11/2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1 – 3 tháng được các ngân hàng đưa về mức 2,8 – 4,75%/năm, kỳ hạn 6 – 9 tháng trong khoảng 4,1 – 5, 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 4,2 – 5,9%/năm.
Trong các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, Vietcombank là ngân hàng áp dụng lãi suất thấp nhất. Cụ thể, đối với lãi suất tiền gửi tại quầy, Vietcombank áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng duy trì ở mức 2,8%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng giảm về 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 – 9 tháng áp dụng 4,1%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,1%/năm.
Ba ngân hàng còn lại là Agribank, VietinBank và BIDV vẫn giữ mức lãi suất cũ. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng duy trì ở mức 3%/năm, kỳ hạn 3 – 5 tháng là 3,3%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 – 9 tháng áp dụng 4,3%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,3%/năm.
Với ngân hàng thương mại cổ phần, Sacombank cũng giảm lãi suất tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3,4%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 4,8%/năm và 12 tháng còn 5,4%/năm.
Ngân hàng Việt Á (VAB) cũng giảm từ 0,1 – 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 3 tháng giảm còn 4,3%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 6 – 9 tháng giảm còn 5,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm còn 5,8%/năm.
Hay như ngân hàng luôn duy trì mức lãi suất cao nhất hệ thống như NCB cũng tiếp tục giảm lãi suất. NCB áp dụng lãi suất mới từ ngày 7/11/2023, giảm từ 0,05 – 0,2% lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 – 3 tháng giảm còn 4,45%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm còn 5,35%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 5,65%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, BaovietBank là ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 5,9%/năm. Kế đó là DongABank ở mức 5,85%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, PVcomBank giữ mức lãi suất cao nhất ở mức 5,6%/năm. Kế đó, PVcomBank, HDBank, BVBank, DongABank và BaoVietBank cùng giữ mức 5%/năm.
Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, lãi suất huy động đã giảm tương đối kịch sàn do lạm phát năm nay được dự đoán trong khoảng 3,3 – 3,5%; nếu nằm trong khoảng này thì mức lãi suất huy động cũng phải ở mức tương xứng để đảm bảo mức lãi suất thực dương.
Tương tự, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) cũng cho rằng, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ khó giảm lãi suất thêm vì không còn nhiều dư địa để giảm lãi suất huy động, nếu có thì cũng giảm tỷ lệ rất thấp, vì lãi suất nếu giảm tiếp cũng không có tác dụng. Việc các ngân hàng cần làm hiện nay là tập trung chính sách tài khóa, còn chính sách tiền tệ đã bão hòa.
Lãi suất cho vay neo đến 12%/năm
Trái ngược với lãi suất huy động, lãi suất cho vay hiện vẫn đang neo ở mức cao. Đặc biệt, lãi suất cho vay thả nổi sau khi hết thời hạn ưu đãi và lãi suất nợ cũ vẫn lên đến 12%/năm.
Lãnh đạo một công ty than thở, năm nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do bất động sản vẫn đóng băng, trong khi đó khoản vay ngân hàng không giảm mà còn tăng. Cụ thể, với lãi suất ưu đãi ban đầu chỉ từ 5,9% – 7,7%/năm trong 3 – 6 tháng đầu, qua đến tháng sau lãi suất vay của doanh nghiệp đã tăng đến gần 12%, dựa trên lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3 – 4%/năm.
Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn lãi suất cho vay có thể ở khoảng 7%/năm. Có như vậy, các doanh nghiệp mới dám mạnh dạn vay để mở rộng sản xuất kinh doanh hay tính chuyện làm ăn bài bản, lâu dài. Đặc biệt với doanh nghiệp bất động sản, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Áp lực lãi suất khiến sức khỏe các doanh nghiệp ngày càng suy giảm.
Theo khảo sát, nhóm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV đang có mức lãi suất cho vay bất động sản năm đầu từ 7 – 8,5%/năm. Lãi suất thả nổi tầm 10,5 – 12,5%/năm với các năm tiếp theo. Một số ngân hàng thương mại cổ phần như TPBank, ACB, Eximbank, Techcombank, MB… với lãi suất phổ biến trong thời gian đầu từ 7,5 – 10%/năm; lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3 – 3,5%/năm.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới bởi ngân hàng chưa thể giảm ngay vì thực tế có nhiều khoản vốn huy động từ đầu năm với lãi suất tương đối cao, bây giờ vẫn phải trả lãi cho doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng phải cân đối để đưa ra mức lãi suất vay hợp lý.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với lãi suất huy động giảm như hiện nay, lãi suất cho vay về mức 7%/năm là hợp lý, có như vậy mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, đã bước sang quý 4 nhưng các đơn hàng doanh nghiệp sản xuất mới chỉ tính theo tháng; thị trường chứng khoán, bất động sản còn khó khăn.