Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Tiến độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế đang tốt dần lên trong những tháng cuối năm nhờ yếu tố tích cực từ hoạt động xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, tiêu dùng nội địa. Nền kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực; đặc biệt là công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế với các đối tác và nền kinh tế lớn đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, mở ra thời cơ, cơ hội mới để phát triển đất nước.
Sản xuất, kinh doanh chuyển biến tích cực
Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu, chỉ số chuyển biến ngày càng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Bình quân 10 tháng năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,59% so cùng kỳ; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá được giữ tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,7 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,7% kế hoạch, cao hơn 5,5% so cùng kỳ năm trước.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Bình quân 10 tháng năm 2023, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,59% so cùng kỳ; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá được giữ tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.
Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng
Ðáng lưu ý, hoạt động sản xuất, kinh doanh ghi nhận tiếp tục có chuyển biến tích cực: Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%); khách quốc tế 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tháng sau tích cực hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 4,1% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%; nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi tích cực hoặc duy trì đà tăng nhanh. Tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn, cả nước có hơn 148,6 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 2,9%…
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng nhận diện rõ những khó khăn, thách thức nền kinh tế đang phải đối mặt, từ đó kiến nghị Chính phủ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nêu rõ nhiệm vụ phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2023, nhất là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư… đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các ngành, lĩnh vực.
Trong tháng 11/2023, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ trong năm 2023, chủ động ban hành theo thẩm quyền để thực hiện ngay từ đầu năm 2024. Trường hợp cần thiết, tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các chính sách vượt thẩm quyền. Tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nhóm hàng cụ thể tại từng thị trường xuất khẩu, các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Trong bối cảnh kinh tế-xã hội còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, TS Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội đến năm 2024, và năm 2025 nhằm tạo sự hứng khởi, luồng gió thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn. Cần có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ, du lịch để vực dậy ngành nghề này, vì du lịch có đóng góp rất quan trọng vào GDP thông qua tính lan tỏa đến nhiều ngành dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Ðình Cung cũng kiến nghị Chính phủ thúc đẩy nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh theo cách tiếp cận mới, thực hiện cắt bỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp thay vì đơn giản hóa những quy trình đang gây khó khăn. “Các vấn đề đang đặt ra đối với yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh là rất nhiều. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liệt kê khoảng 5-10 vấn đề đang gây bức xúc nhất, cản trở nhất đối với người dân và doanh nghiệp. Từ đó giao nhiệm vụ cho các đơn vị cụ thể phải giải quyết và giám sát tiến độ thực hiện. Cách làm như vậy mới tạo được áp lực để thay đổi”, TS Nguyễn Ðình Cung nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, tình hình khó khăn có thể kéo dài đến năm 2024, vấn đề quan trọng là cần xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nền tảng cho sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo. Trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên cần tháo gỡ các điểm nghẽn một cách có hiệu quả, ngay khi doanh nghiệp vẫn còn sức lực, còn chống chịu được.
Tình hình khó khăn có thể kéo dài đến năm 2024, vấn đề quan trọng là cần xây dựng thể chế, chính sách nhằm tạo nền tảng cho sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo. Trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên cần tháo gỡ các điểm nghẽn một cách có hiệu quả, ngay khi doanh nghiệp vẫn còn sức lực, còn chống chịu được.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia
TS Trần Du Lịch đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc của thị trường bất động sản ở cả phía cung và cầu; củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế vĩ mô.
Báo cáo của Chính phủ trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho thấy trong hai tháng cuối năm 2023, Chính phủ tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng; thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Các giải pháp điều hành nhằm nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.