Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang bước vào cao điểm sản xuất cuối năm.
Các doanh nghiệp cũng gia tăng tuyển dụng nhằm đáp ứng các đơn hàng cho mùa lễ, Tết và hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 ước tăng 5,5% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây. Sự chuyển biến này có thể nhìn thấy ngay tại đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Dù cũng chịu những tác động của tình hình kinh tế thế giới thế nhưng 10 tháng năm nay, tăng trưởng của Công ty CP Cơ khí, Xây dựng, Thương mại Đại Dũng đạt 25% nhờ có được các hợp đồng với giá trị rất lớn.
Hai tháng còn lại của năm, hơn 1.500 người lao động tại nhà máy đang gấp rút hoàn thiện đơn hàng cho khách hàng Australia, Nhật Bản, Ai Cập, Trung Quốc. Kỳ vọng nhờ 2 tháng này, doanh số cả năm sẽ tăng lên và tăng trưởng đạt trên 30%. Với kết quả này, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng năm sau tiếp tục đạt 25% – 30%.
Nhờ duy trì đơn hàng ở thị trường truyền thống, tiếp cận thị trường mới như Trung Đông và Đông Nam Á, chăm chút cho thị trường nội địa… Công ty May mặc Dony đã có thêm đơn hàng để sản xuất từ nay tới tháng 4 năm sau. Mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp có thể đạt trên 20%.
Các chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp đã trải qua thời gian dài tái cấu trúc, bố trí lao động, tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Do vậy “sức khoẻ” ngành sản xuất đang dần được cải thiện và tốt hơn trong năm 2024, gúp nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến quý I năm sau.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa – Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chiều sâu của các lĩnh vực công nghiệp mạnh của Việt Nam cũng có bước chuyển biến tích cực. Thách thức vẫn còn, năm 2024 chúng tôi gọi là năm định hình mô hình tăng trưởng mới, tư duy mô hình từ ngành công nghiệp cho đến những lĩnh vực lớn”.
Thực tế cho thấy, các chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, giảm thuế VAT, giảm lãi suất vay… đều là những “liều thuốc” kịp thời cho doanh nghiệp.