Ngày 30/7/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND (gọi tắt là NQ194) về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Đây là Nghị quyết tích hợp nhiều chính sách hỗ trợ, áp dụng theo 3 Nghị định số 98, 57, 109 của Chính phủ, đồng thời bao gồm chính sách hỗ trợ theo đặc thù của tỉnh. Theo đó, có nhiều chủ thể, dự án đủ điều kiện hưởng thụ chính sách hỗ trợ, trong đó điển hình là các dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh không có nhiều dự án đã và đang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, nguyên nhân khiến không nhiều mô hình, dự án được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo NQ194 bởi các dự án này tồn tại mối liên kết lỏng lẻo, không có liên kết hoặc liên kết không được công nhận.
Cũng theo ông Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Huyện Vân Đồn được xem là trung tâm nuôi thả nhuyễn thể. Tại đây, từ lâu đã hình thành các mô hình sản xuất có tính liên kết giữa người nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) với đơn vị cung cấp giống, đơn vị cung cấp vật liệu nuôi thả (cát, giỏ nhựa) và đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm, nhiều mô hình còn có liên kết sâu hơn, đó là liên kết với cả đơn vị chế biến sản phẩm. Tuy nhiên, các mô hình NTTS này của Vân Đồn đều không được công nhận mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, do hầu hết người NTTS hiện nay đều chưa được cấp, được giao mặt đất, mặt nước.
Thực tế, kể từ năm 2017 đến nay, huyện Vân Đồn đều tạm dừng việc giao và cho thuê đất, mặt nước NTTS. Các thủ tục về đất đai, tách thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân, việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp (đặc biệt là các loại đất rừng, đất nông nghiệp đang canh tác, đất NTTS) sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đều dừng lại cho đến khi huyện được phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, Quy hoạch chung xây dựng huyện Vân Đồn. Từ đây thì các trường hợp đang sử dụng đất, mặt nước NTTS đều chưa được cấp giấy chứng nhận, bao gồm cả chứng nhận gia hạn và cấp mới, trong khi đây là điều kiện tiên quyết, có tính nền tảng để đơn vị chức năng công nhận chuỗi liên kết.
Cũng tại huyện Vân Đồn, hiện nhiều vườn cam đang phát triển tốt, cho sản lượng, chất lượng quả cao, tuy nhiên trên danh nghĩa đây vẫn là những vườn cam trồng xen trên đất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn, người dân không thể mở rộng diện tích trồng mới, cũng không được xác nhận mô hình cây ăn quả. Đến thời điểm hiện nay, các đơn vị chức năng tỉnh cũng chưa phê duyệt phương án thu hồi diện tích đất đã hình thành những vườn cam nói trên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn để giao về cho huyện quản lý và giao đến tay người dân phát triển sản xuất. Do vậy, mô hình vườn cam Vân Đồn cũng không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo NQ194.
Có thể thấy, để được hỗ trợ theo NQ194 cần phải có dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do chủ trì liên kết xây dựng, đề xuất và được phê duyệt trước khi triển khai.
Đáng nói, hiện đối với những doanh nghiệp, HTX chưa có đầu ra ổn định nên khó mở rộng, phát triển liên kết, từ đó không tham gia đề xuất dự án. Bản thân một số doanh nghiệp, HTX còn lúng túng trong việc xây dựng dự án chuỗi liên kết để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng, phát triển chuỗi liên kết cũng như giải ngân nguồn vốn được hỗ trợ. Cùng với đó thì thói quen trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không qua hợp đồng còn chiếm số đông trong tiềm thức của nông dân. Thực trạng sản xuất quy mô nhỏ, manh mún vẫn chiếm đa số nên không có nhu cầu liên kết, không thu hút được doanh nghiệp, HTX bắt tay liên kết sản xuất…
Từ những khó khăn trên, thiết nghĩ cần thiết phải có sự vào cuộc, gỡ khó một cách cụ thể, thiết thực của chính quyền địa phương cũng như sự nỗ lực của chính chủ thể trong mỗi chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, là những nông hộ, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp, từ đó thúc đẩy các dự án nông nghiệp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo NQ194 của HĐND tỉnh, tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị cao.