Hiện Ban Quản lý dự án phát triển điện lực (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) đang thực hiện quản lý, đầu tư xây dựng 19 dự án lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư gần 1.250 tỷ đồng. Các dự án hoàn thành sẽ tăng khả năng cung cấp điện, nâng sức cạnh tranh của tỉnh đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do không có mặt bằng thi công nên phần lớn các dự án lưới điện 110kV đã phải tạm dừng thi công và tình trạng này đang kéo dài nhiều tháng nay.
Theo rà soát của Ban Quản lý dự án phát triển điện lực, hiện có 5 dự án đang thi công vướng mắc công tác GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác.
Trong đó có Dự án Nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110kV mạch kép TBA 220kV Hoành Bồ đến cột số 43. Dự án này được khởi công từ cuối năm 2020 và cuối tháng 8/2023 hoàn thiện đóng điện giai đoạn 1 (từ vị trí cột số 1 đến vị trí cột số 42). Kế hoạch đặt ra của Ban sau khi đóng điện giai đoạn 1 sẽ tiếp tục triển khai cắt điện thi công giai đoạn 2, từ vị trí cột 42 đến vị trí cột 57 (qua địa bàn phường Minh Thành và Đông Mai, TX Quảng Yên) và chậm nhất đầu tháng 12/2023 hoàn thành toàn bộ dự án.
Để đảm bảo tiến độ thi công, Ban Quản lý dự án phát triển điện lực đã làm việc và thống nhất với Trung tâm Phát triển quỹ đất TX Quảng Yên và TP Hạ Long là Ban sẽ tạm ứng trước kinh phí GPMB theo phương án tạm tính trên 1 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân. Thế nhưng do vướng mắc GPMB với 4 vị trí cột trên địa bàn TX Quảng Yên nên dự án đã phải dừng thi công suốt 2 tháng nay.
Cụ thể là tại vị trí cột 43, 46 (phường Minh Thành, TX Quảng Yên), do diện tích cần GPMB là đất ở, đất trồng cây lâu năm nên Ban và Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã đã lập phương án chi trả trước theo đúng quy định, nhưng các hộ dân vẫn chưa đồng ý với lý do đơn giá thấp và phải có quyết định bồi thường mới xem xét nhận tiền bồi thường.
Tại vị trí cột 53, 57 (phường Đông Mai, TX Quảng Yên), Trung tâm Phát triển quỹ đất của thị xã đã kiểm kê đền bù nhưng còn 3/4 hộ dân không đồng ý nhận tiền do đơn giá thấp và yêu cầu bồi thường toàn bộ đất hành lang đường điện cũ. Còn toàn bộ phần hành lang của dự án cũng chưa thực hiện chi trả vì chưa có phương án bồi thường do chưa thực hiện xong công tác xét nguồn gốc đất, chưa có quyết định đơn giá điều chỉnh cây cối, hoa màu theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 446/UBND-XD1 ngày 7/3/2023.
Không chỉ vướng mắc công tác GPMB trên địa bàn TX Quảng Yên, hiện dự án cũng gặp phải tình trạng tương tự này tại TP Hạ Long. Mặc dù công tác đóng điện đoạn tuyến trên địa bàn TP Hạ Long (từ vị trí cột số 1 đến vị trí cột 34) đã xong, tuy nhiên phần hồ sơ phục vụ công tác phê duyệt phương án bồi thường vẫn chưa được hoàn thiện. Nguyên nhân do TP Hạ Long chưa phê duyệt giá đất cho dự án nên chưa có cơ sở để phê duyệt phương án bồi thường.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Phòng Giám sát xây dựng, Ban Quản lý dự án phát triển điện lực, cho biết: Chúng tôi rất mong các địa phương sớm phê duyệt phương án bồi thường cho dự án, làm cơ sở vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai thi công giai đoạn cắt điện lần 2, hoàn thành toàn bộ dự án, cũng là cơ sở để hoàn thiện thủ tục tài chính, hoàn trả lại kinh phí do Ban cũng như nhà thầu thi công đã chi trả tạm ứng cho các hộ dân. Việc chậm bàn giao mặt bằng để thi công khiến chi phí sản xuất tăng lên, đội ngũ nhân lực cùng phương tiện máy móc, thiết bị cũng phải nằm chờ mặt bằng. Nếu không sớm có mặt bằng, dự án chắc chắn sẽ kéo dài sang năm 2024 và điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch đóng điện của Ban, từ đó ảnh hưởng đến một số trạm biến áp 110kV đang chờ được đấu nối vào dự án.
Cùng với Dự án Nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110kV mạch kép TBA 220kV Hoành Bồ đến cột số 43, hiện Dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Yên Cư được khởi công từ ngày 20/6/2022 và Dự án đường dây 110kV Hoành Bồ – NR Hùng Thắng, khởi công ngày 22/8/2022 cũng có diện tích đất rừng sản xuất cần thực hiện thủ tục chuyển đổi theo quy định. Tuy nhiên, cả 2 dự án này đang chờ các cơ quan chức năng của tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để các địa phương sớm hoàn thiện thủ tục trình xin giá đất cụ thể theo quy định. Riêng với Dự án đường dây và TBA 110kV Hùng Thắng (khởi công tháng 6/2023), hiện dự án cũng đang chờ các cơ quan chức năng của tỉnh thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để Ban có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài vướng mắc về công tác GPMB, còn 2 dự án lưới điện 110kV chuẩn bị đầu tư khác cũng đang gặp nhiều khó khăn do vướng mắc công tác phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và thống nhất hướng tuyến. Cụ thể là Dự án cải tạo đường dây 110kV An Lạc – Tràng Bạch – Uông Bí, hiện vẫn đang chờ UBND TX Đông Triều phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 của dự án.
Đối với Dự án đường dây 110kV Cộng Hòa – Vân Đồn 2, Ban Quản lý phát triển điện lực đã cùng với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lựa chọn được tuyến đường dây đi qua địa phận xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) và các xã Bình Dân, Đài Xuyên, Vạn Yên (huyện Vân Đồn). Đến nay, hướng tuyến đường dây đi qua địa phận huyện Vân Đồn đã được UBND huyện Vân Đồn, Ban Quản lý KKT Vân Đồn đồng ý hướng tuyến. Còn trên địa bàn TP Cẩm Phả, để tránh đi vào diện tích rừng ngập mặn tự nhiên trên địa bàn xã Cộng Hoà theo đề xuất của thành phố thì sẽ có một đoạn tuyến đường dây phải đi vào khu vực đất nuôi trồng thuỷ sản của Công ty CP Thuỷ sản N.G Cẩm Phả với chiều dài khoảng 0,6km.
Ban Quản lý dự án đã trực tiếp làm việc với Công ty CP Thuỷ sản N.G Cẩm Phả nhưng hiện chưa nhận được sự đồng thuận, nhất trí của công ty. Do vậy, ngày 31/3/2023, Ban Quản lý dự án đã có văn bản gửi UBND TP Cẩm Phả kiến nghị thành phố có văn bản chấp thuận đoạn tuyến đi trên địa bàn và hỗ trợ Ban làm việc cùng với Công ty Thuỷ sản N.G Cẩm Phả để thống nhất phương án tuyến. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án tuyến để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Việc hoàn thành các dự án lưới điện 110kV sẽ nâng cao độ an toàn tin cậy, ổn định cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, nhất là khi dự báo nhu cầu phụ tải năm 2024 sẽ tăng cao, nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu nếu các dự án truyền tải không hoàn thành đúng tiến độ. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, nơi có dự án đi qua.