Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, MTTQ các cấp huyện Bình Liêu đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Qua đó, kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tế, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Hằng năm, MTTQ huyện chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội huyện xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát bám sát tình hình thực tế, nhiệm vụ chính trị tại địa phương và những vấn đề bức xúc mà cử tri kiến nghị, vấn đề được người dân quan tâm để xây dựng kế hoạch giám sát.
Từ đầu năm đến nay, MTTQ huyện đã thực hiện và phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện 5 cuộc giám sát, gồm: Giám sát thực hiện Nghị định số 157-NĐ/CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung Nghị định số 150-NĐ/CP, ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cựu chiến binh; giám sát thực hiện trách nhiệm và chương trình hành động của đại biểu HĐND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 tại nơi làm việc và nơi cư trú; giám sát công tác vận động, quản lý, sử dụng quỹ “Vì người nghèo” từ năm 2019 đến tháng 2/2023 của các xã, thị trấn; giám sát việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, đối với nội dung giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tại Trung tâm TT-VH và Phòng LĐ-TB&XH huyện, đoàn giám sát đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của 2 đơn vị, như: Chưa thực hiện đầy đủ kết quả đánh giá công chức hằng tháng; chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC trong năm; việc công khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được đảm bảo đầy đủ…
Từ đây, góp ý, kiến nghị, đề xuất một số nội dung để các đơn vị nghiêm túc thực hiện đầy đủ, nhằm tiếp tục phát huy quyền làm chủ của CBCCVC, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch và có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc, phục vụ sự phát triển của địa phương.
MTTQ các xã, thị trấn cũng quan tâm hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng duy trì hoạt động hiệu quả cũng như chủ động đề xuất, tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư tại địa bàn. 10 tháng đầu năm, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện được 41 cuộc. Nội dung chủ yếu là giám sát các chương trình hỗ trợ người dân về cây trồng, vật nuôi phát triển mô hình sản xuất; giám sát xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đường liên thôn, nhà văn hóa, công trình nước sạch… phục vụ đời sống dân sinh.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức 187 hội nghị phản biện, lấy ý kiến đoàn viên, hội viên và nhân dân góp ý các văn bản, dự thảo luật với 5.032 lượt người tham gia.
Bà Hoàng Thị Lan, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Liêu, cho biết: MTTQ huyện thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động trong công tác giám sát, phản biện xã hội; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt thực hiện công tác này. Sau giám sát, MTTQ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc tiếp thu và khắc phục sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm đơn vị, cá nhân được giám sát, phản biện và góp ý. Nhờ đó, phát huy tính dân chủ và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.