Hiện nay các doanh nghiệp đang rất mong chờ Bộ Tài chính sớm sửa đổi Nghị định 132 về quản lý thuế với các giao dịch liên kết.
Nghị quyết 105 của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc sửa đổi trong quý IV năm nay. Góp ý vào dự thảo sửa đổi, các chuyên gia cho biết, dự thảo cần sửa đổi theo hướng rõ ràng hơn và phải theo thực tế kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của doanh nghiệp.
Công ty A cho công ty B mượn địa điểm, mượn kho, hay đơn giản chỉ là đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm đi vay ngân hàng quá 25% vốn chủ sở hữu… tất cả những giao dịch này hiện nay đều được coi là phát sinh giao dịch liên kết, dù không có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế bưng vẫn phải chịu khống chế chi phí lãi vay không được vượt quá 30% theo Nghị định 132.
Đại diện Hội Tư vấn thuế cho biết, dự thảo Nghị định 132 cần làm rõ các trường hợp được cho là có giao dịch liên kết, tránh để chung chung, khó hiểu như hiện nay.
Còn theo Luật sư, dự thảo Nghị định 132 cần loại trừ tất cả chi phí lãi vay mà hợp lý, hợp lệ cho doanh nghiệp trong nước. Bởi Nghị định 132 nhằm mục đích chống chuyển giá, trốn thuế, phù hợp để quản lý các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.
Các doanh nghiệp FDI có thể chuyển lợi nhuận sang các nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn để trốn thuế. Còn doanh nghiệp nội, dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ lẫn nhau thì cũng khó chuyển giá, trốn thuế, nhất là khi có cùng mức thuế suất.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi cho biết: “Đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu vào của doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác và chi phí huy động vay vốn là hợp lý, hợp pháp thì tôi cho rằng không nên đặt ra vấn đề là hạn chế hay giới hạn nào hết”.
Các chuyên gia, đại diện Hiệp hội cũng cho rằng đối với một số doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá, ngành thuế hoàn toàn có công cụ để thanh tra, kiểm tra và xử lý. Không thể chỉ vì một số doanh nghiệp sai phạm này mà kìm hãm nhu cầu vay vốn chính đáng của tất cả doanh nghiệp còn lại.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để các chính sách có sự đồng bộ, tránh việc sửa đi sửa lại nhiều lần.
Sẽ trình Chính phủ xin chủ trương phê duyệt sửa đổi Nghị định 132 quý IV năm nay
Trước mong mỏi của doanh nghiệp, trả lời phỏng vấn phóng viên VTV, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan này đã nghiên cứu và tổng hợp ý kiến các bộ ngành và dự kiến sẽ trình chính phủ xin chủ trương phê duyệt cho việc sửa đổi Nghị định 132 đúng vào quý IV năm nay như yêu cầu của Chính phủ.
Bà Tô Kim Phượng – Phó Cục trưởng Cục Thanh tra – Kiểm tra, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng được dự thảo báo cáo tổng kết Nghị định 132. Sau khi tổng hợp được ý kiến của bộ, ngành liên quan, chúng tôi sẽ trình báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ đúng trong quý IV, đảm bảo tiến độ mà Nghị quyết 105 đã giao”.
Đối với quy định chi phí lãi vay không quá 30%, đại diện Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế đang nghiên cứu để sửa đổi trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp.
“Ngành thuế đã nghiên cứu doanh nghiệp Việt Nam đi vay vốn để sản xuất kinh doanh là cần thiết. Do vậy, chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét và thấy rằng ý kiến của doanh nghiệp cũng có ý hợp lý. Chúng tôi sẽ nghiên cứu xem xét để báo cáo với cấp có thẩm quyền, để sửa đổi trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp”, bà Tô Kim Phượng – Phó Cục trưởng Cục Thanh tra – Kiểm tra, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho hay.
Về tiến độ sửa đổi Nghị định 132, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc sửa đổi phải thực hiện theo đúng trình tự của pháp luật, bao gồm nhiều bước từ lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, tiếp thu, chỉnh lý, thẩm định… Do vậy cũng phải mất khá nhiều thời gian.