Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Có giải pháp phù hợp cho sân bay Long Thành
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo các đại biểu, thực tế tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Chính phủ, tỉnh Đồng Nai cần phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm và sau này khi triển khai những dự án tương tự sẽ có giải pháp phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị cần có những đánh giá sát thực hơn nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm nhiều so với tiến độ, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.
Tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung bố trí vào dự toán ngân sách năm 2024 để đảm bảo đủ vốn cho dự án này, đồng thời tăng bội chi tương ứng để đảm bảo giải quyết đúng quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho dự án hoàn thành.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư.
Giải trình, làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm. Trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%. Dù thời điểm đó, việc đưa ra tỷ lệ này có căn cứ rõ ràng, nhưng đến nay nhận thấy quy định này không còn phù hợp. Bộ trưởng dẫn chứng, với các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao thì nhà đầu tư không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn… Do đó, cần thiết nâng tỷ lệ vốn nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm tính khả thi.
Chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ
Chiều 9/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 với đa số phiếu tán thành (90,49%).
Nghị quyết đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 – 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 – 4.730 USD/người. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% – 24,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% – 5,3%…
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0 – 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%. Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu.
Năm nội dung lớn trong dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Tiếp đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Cuối phiên họp, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự án Luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo Luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn về nhiệm vụ, quyền hạn; hoàn thiện tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), chiều 9/11, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án.
Tờ trình về dự án luật cho biết, việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án hiện có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự là phù hợp và cần thiết. Lý do là trong vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện Kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để xét xử. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để xét xử. Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan, không đánh giá đầy đủ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc kỹ quy định này vì có thể khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Việc quy định Tòa án thu thập chứng cứ vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của nước ta hiện nay.