Những tháng cuối năm cũng là thời điểm nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, phòng chống dịch bệnh
Trong 9 tháng năm 2023, hoạt động sản xuất chăn nuôi nhìn chung thuận lợi, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục… được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch. Các bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện lẻ tẻ tại các địa phương Đầm Hà, Móng Cái, Uông Bí, Vân Đồn được khống chế kịp thời, không lây lan rộng.
Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tích cực vận động người dân khử trùng, tiêu độc chuồng trại, cơ sở giết mổ và đảm bảo môi trường chăn nuôi. Để ngăn ngừa dịch bệnh trên gia súc, gia cầm lây lan, các ngành chức năng đặc biệt chú ý đến công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã mua sắm đủ loại vắc-xin năm 2023 và triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; tăng cường vệ sinh tiêu trùng, khử độc… Qua đó, đã góp phần đưa chăn nuôi trên địa bàn Quảng Ninh ngày càng phát triển ổn định. Tổng đàn gia súc, gia cầm đến nay tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đàn trâu trên 25.800 con, đàn bò gần 30.300 con, đàn lợn gần 272.00 con, đàn gia cầm đạt 5,2 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt trên 71.556 tấn.
Tuy nhiên, thực tế việc phát triển quy mô về tổng đàn đối với đàn bò, đàn lợn trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc phát triển đàn bò ở Công ty TNHH Phú Lâm giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2022, hiện có 7.074 con. Nguyên nhân do giá nhập bò thịt, giá thức ăn tăng cao, lãi suất vốn vay ngân hàng tăng và một số nguyên nhân chủ quan khác. Vì vậy, Công ty mới nhập 2.561 con, dự kiến trong quý IV/2023 nhập thêm khoảng 3.000 con.
Đối với việc phát triển đàn lợn, hiện giá thịt lợn hơi trên thị trường ở mức 56.000-58.000 đồng/kg, giá thức ăn chăn nuôi của một số công ty giảm 10% so với giai đoạn cao điểm năm 2022. Chăn nuôi lợn hiện nay đang theo xu hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại, hoặc tổ chức liên kết hình thành HTX, THT (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc) trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không kiểm soát được an toàn dịch bệnh và chi phí sản xuất nên hiệu quả không cao, nhiều hộ thua lỗ nên đã hạn chế đầu tư hoặc dừng hẳn không nuôi. Hiện nay số lượng hộ chăn nuôi lợn giảm mạnh (trên 5.000 hộ). Số lượng tổng đàn giảm do các cơ sở chuyển đổi phương thức sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bên cạnh đó các dự án chăn nuôi đang triển khai chậm.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Để đảm bảo đạt các chỉ tiêu chăn nuôi năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách ngành Nông nghiệp; phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, quản lý giống vật nuôi, môi trường trong chăn nuôi; sử dụng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi vào các tháng cuối năm để bảo vệ đàn vật nuôi.
Chi cục tiếp tục chủ động theo dõi, nắm bắt biến động của thị trường, tình hình sản xuất chăn nuôi; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý môi trường đảm bảo an toàn trong chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh từ cơ sở; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; rà soát, đánh giá điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ.
Thời điểm cuối năm, thường xuyên xuất hiện các đợt lạnh tăng cường, ngành Nông nghiệp chủ động theo dõi sát tình hình thời tiết để có các biện pháp phòng, chống vật nuôi kịp thời, đặc biệt khi có rét đậm, rét hại. Trước mùa rét, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, tập trung cải tạo, che chắn chuồng trại để đảm bảo kín gió, tránh mưa tạt, giữ nền chuồng luôn khô ráo sạch sẽ; sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi… Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò già yếu; gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để phòng chống đói rét và dịch bệnh. Bà con cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả gia súc, gia cầm hợp lý. Hạn chế việc chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ ngoài trời dưới 15 độ C.
Những ngày rét đậm, rét hại dưới 12 độ C thì không chăn thả mà nhốt vật nuôi trong chuồng. Sử dụng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc đốt củi để sưởi. Bà con cần chú ý khi đốt lửa sưởi phải có đường ống dẫn khói thải ra ngoài chuồng, tránh hiện tượng ngạt, ngộ độc vật nuôi và vị trí đốt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy. Đối với đàn trâu, bò nên mặc áo ấm bằng bao tải gai, bao tải dứa, chăn, áo cũ… để chống rét.