Chắc chắn, Triển lãm Thành tựu của tỉnh Quảng Ninh qua 60 năm hình thành và phát triển là có một không hai, không chỉ ở quy mô, số lượng hiện vật, ảnh, clip đem đến cho người xem; mà ở tính chất, ý nghĩ đa tầng của sự kiện thì không thể nơi đâu có được hay tái lặp.
Tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm trên đường Trần Quốc Nghiễn, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, đang diễn ra Triển lãm “Thành tựu của tỉnh Quảng Ninh qua 60 năm hình thành và phát triển”, từ ngày 25/10/2023 đến hết ngày 20/11/2023.
Quảng Ninh, đất mỏ thân yêu trong lời bài hát bất hủ về thợ mỏ, hay trong bao thương mến của triệu người sống, chiến đấu, đóng góp và gắn bó, quan tâm đến nơi này, có nhiều danh gọi theo đặc trưng tự nhiên và theo hành trình cách mạng ở thế kỷ XX, mà nơi đây, cái nôi của giai cấp công nhân. Chính đội ngũ công nhân mỏ đã đình công, đấu tranh và dựng xây đất này.
Đất mỏ, Vùng than, xứ sở vàng đen, tỉnh sở hữu kỳ quan nổi tiếng hàng đầu Việt Nam và có nhiều thành phố nhất nước… những danh xưng, kỷ lục hay các dấu ấn quan trọng lớn lao mà cả nước hay bạn bè quốc tế nói/nhắc đến Quảng Ninh, Hạ Long… được xây đắp từ những lớp người chọn nơi đây sinh cơ, lập nghiệp. Ngày 30/10/2023 tròn 60 năm thành lập tỉnh.
60 năm của tỉnh Quảng Ninh hôm nay, bằng một vòng hoa giáp.
60 năm của Quảng Ninh ngày nay, khởi từ những vận động địa chất trên 200 triệu năm trước.
60 năm của Quảng Ninh hưng thịnh tươi đẹp lúc này được “kích hoạt” từ Văn hoá Hạ Long, cách đây 1 vạn năm, là nền văn hoá tiền sử được biết đến sớm nhất ở Việt Nam.
60 năm tỉnh Quảng Ninh có “mảnh ghép” của đại gia đình họ ngoại của tôi, bà ngoại tôi tuổi 96 còn minh mẫn tinh anh. Tuần cuối tháng 10, bà ngoại tôi sống trong phức cảm. Người già sống bằng ký ức.
Bà vấn khăn rồi ra vào giục cậu ruột tôi: “Con xem sắp xếp đưa bu đi lên Hòn Gai xem triển lãm”.
Con bé Linh nói: “Triển lãm to lắm, nhiều hiện vật từ thời bao cấp, chiến tranh, rộng và đẹp, hiện đại”. Nó còn nhắc là “có khu trưng bày bà ngoại cứ sờ thoải mái chứ không cấm sờ vào hiện vật đâu”.
Con bé Linh là tôi, con cả của con gái thứ ba của bà. “Tại cháu mà bà bùi ngùi, bồn chồn, náo nức” – Cậu tôi mắng yêu.
Nhà giáo Phan Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thanh Lân (Cô Tô) cậu tôi, cùng em trai Phan Diễn, từng đi bộ đội. Cậu Thắng tôi dành tuổi trẻ dạy học ở huyện Bình Liêu. Khi lớn tuổi, cậu sẵn sàng rời thành phố Cẩm Phả, không nề hà ra đảo Cô Tô, vài tuần hay 1 tháng mới về nhà. Giờ cậu bận việc nhà, có hiệu may lâu năm, về hưu mới mở lại. “Thì bu cứ từ từ, triển lãm mở gần một tháng mà”.
Thế là bà ngoại tôi vừa cười lại khóc: “Bu chưa được đến Cung Cá heo ấy. Chục năm nay các cháu bên Hạ Long giục, cứ mong bà ra chơi mà chưa tới tham quan được. Độ này mát trời, xương khớp đỡ đau, có cháu dìu, con cứ cho bu đi”.
Cậu tôi hẹn: “Con sẽ thuê taxi đưa bu lên tuần tới”.
Tuổi lão niên như bà ngoại tôi, có thể nhầm, quên đồ và chuyện vặt hiện tại, nhưng hồi niệm quá khứ thì rành mạch, bừng sáng và ấm áp vùng ký ức.
Gia đình bà ngoại tôi đã di cư từ Tiên Lãng (Hải Phòng) ra Cẩm Phả năm 1960, bà khởi đầu mưu sinh nơi đất mới bằng công việc nặng nhọc: Diêm dân. Ngoài lúc là xã viên làm muối, bà về nhà còn nuôi lợn, trồng rau, mang ổi, rau ra chợ bán. Ông ngoại tôi làm hành chính cho Uỷ ban thị xã, sức khoẻ không tốt, túc tắc bốc thuốc nam. Về hưu, ông nấu rượu. Cẩm Phả, đất lành, quê hương mới đã đón nhận gia đình ông bà tôi, khi ấy mẹ tôi nhi đồng, cậu ngồi thúng cho bu gánh. Tại đất Cẩm Phả, bà sinh thêm hai cậu, một dì.
Cậu Thắng kể: “Từ Tiên Lãng ra Hải Phòng ngày đó có xe khách rồi, nhưng phải chờ đợi và mua vé rất khó khăn. Bà cho cậu (1 tuổi) vào thúng gánh ra đò Khuể, từ đó bắt xe ra Hải Phòng. Bà bị say xe nên đi tàu thuỷ. Tàu đi từ bến Bính ra Cẩm Phả. Từ bến tàu Cẩm Phả, ông bà gánh, dắt díu các con đi bộ 4km về xóm Diêm Thuỷ (lò muối) ở nhờ nhà bà Thảo một thời gian mới mua đất dựng nhà ở xóm Hải Sơn, Cẩm Bình Đông”.
Một cậu ruột khác của tôi, mất khi lên 8 tuổi. Ông ngoại tôi qua đời hè 2012. Ông và cậu tôi an nghỉ trong đất Quảng Ninh chứ không về quê gốc. Khi đến lập nghiệp tại Cẩm Phả, ông ngoại tôi 37 tuổi, bà ngoại tuổi 33. Ông bà tôi cùng các bác, mẹ, cậu tôi đã đóng góp cho đất Quảng Ninh những năm tháng sung sức nhất. Ba người con gái của bà ngoại đều ở thủ đô; còn các con trai, con và cháu họ sống chủ yếu tại Cẩm Phả, vậy là 3 đời. Đất Quảng Ninh tốt, không chỉ vì nhiều than nhất nước, mà phong thuỷ thuận hoà, người người chăm chỉ, mạnh mẽ.
Triển lãm 60 năm thành tựu của tỉnh, trên nhiều lĩnh vực, là bức tranh panorama khổng lồ, là bộ phim có nhiều đại cảnh, bối cảnh sống động nhưng cũng vô số những trung cảnh, cận cảnh, hiện vật gợi ra những số phận, những cuộc đời.
Quảng Ninh hội tụ 22 dân tộc với 360 di sản phi vật thể, 637 di tích lịch sử, 8 di tích quốc gia đặc biệt, 6 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, 13 bảo vật quốc gia. Các bảo vật quốc gia niên đại vài đến hàng chục thế kỷ. Khu vực Quy hoạch tầm nhìn 2030, 2045, 2050 không tạo đối nghịch tương phản mà càng bộc lộ khát vọng quyết tâm dựng xây Quảng Ninh, được ví là “Việt Nam thu nhỏ” không chỉ về tạo hoá, hình thế tự nhiên mà còn ở dân cư. Xa xưa có văn hoá Hạ Long. Nay văn hoá Quảng Ninh thời đại 4.0 vẫn kết nối từ lịch sử tới hiện đại, mà việc hợp quần dân cư thế kỷ XX không tạo ra biến động bản sắc lại làm dồi dào nguồn lực lao động, xây dựng quê hương, bồi tụ thêm văn hoá. Nhiều thanh niên từ Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng ra Quảng Ninh làm than, lập gia đình, gắn bó. Hàng ngàn gia đình di dân, cán bộ tập kết, ra đất mỏ, chọn chốn này sinh tụ mấy đời.
Trong 6 giá trị của tỉnh xây dựng nên Hệ giá trị Quảng Ninh, tôi đặc biệt chú ý “Nhân dân hạnh phúc”. Vì tiêu chí này, tỉnh đã và đang nỗ lực mọi phương diện. Thu nhập bình quân đầu người của người Quảng Ninh cao hơn hẳn bình quân cả nước, hoàn thành mục tiêu quốc gia giảm nghèo trước 3 năm. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, phát triển năng động, toàn diện, GRDP bình quân 10.000USD/người, đến năm 2030 đạt 15.000 USD/người, là tỉnh kiểu mẫu đẹp, văn minh.
Không do ưu ái hay ngẫu nhiên khi sinh thời, lãnh tụ Hồ Chí Minh đến thăm Quảng Ninh nhiều nhất. Người đặt hy vọng tỉnh “phấn đấu là địa phương kiểu mẫu” (tại TX Hòn Gai 4/10/1957); “đoàn kết vui vẻ, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quyết tâm xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh” trong lần cuối cùng Người về nơi này – Mong mỏi của Bác mùa xuân 1965 và lời dạy ấy đang thành hiện thực.
Quảng Ninh tự tin xây dựng hệ giá trị gồm 6 giá trị cốt lõi cơ bản: Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hoá đặc sắc, Xã hội văn minh, Kinh tế phát triển, Hành chính minh bạch, Nhân dân hạnh phúc và Bộ Quy tắc “Nụ cười Hạ Long”, Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn; Tủ sách Văn hiến Quảng Ninh.
Ngôi nhà mỗi gia đình đều có thể là kho tư liệu, bảo tàng nhỏ nếu có điều kiện giữ gìn, bảo quản kỉ vật. Kỉ vật gợi nhớ lịch sử bản thân, gia đình, dòng tộc, đất nước. Cuộc trưng bày hiện đang diễn ra với 11 bảo vật; gần 100 hiện vật; 1.500 hình ảnh, 40 clip hình ảnh. Hệ thống máy chiếu mapping lên bề mặt đại sa hình được thiết kế vách cong panorama tái hiện quá trình hình thành tự nhiên, kiến tạo địa chất của tỉnh. Không gian kĩ thuật số giới thiệu thiên nhiên, danh thắng của Quảng Ninh gợi lên nhiều cảm xúc cho hàng vạn người xem xa gần, đến trực tiếp hay chỉ qua ảnh chụp, bài viết, tin truyền hình. Bởi đây là cuộc chọn lọc những gì nổi bật qua 60 năm, còn là vật chứng tình yêu quê hương, khát khao, thương mến và trân quý từng ngày sống, cống hiến của các thế hệ cho vùng đất – biển Quảng Ninh đầy chất thơ, kiêu hùng, bay bổng và khí phách.