Nhằm ngăn chặn tình trạng trục lợi và chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã đưa ra các quy định nhằm siết chặt hơn việc quản lý quỹ và tăng trách nhiệm các bên. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định: Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải mở một tài khoản chuyên thu chi riêng và giao ngân hàng thương mại quản lý.
Giải pháp để ngăn trục lợi Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Báo Lao Động vừa qua đã đăng tải loạt bài “Vá lỗ hổng trong quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu”, phân tích những bất cập trong việc quản lý, trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; hệ luỵ khi giao cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu quản lý quỹ; câu chuyện pháp lý về việc ngân hàng thương mại tự động cấn trừ nợ từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu… Tuyến bài cũng kiến nghị nhiều giải pháp để quản lý quỹ sao cho hiệu quả.
Sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động, Bộ Công Thương đã nhanh chóng hoàn thiện Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu theo hướng siết chặt quy định quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Định kỳ 6 tháng các thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán độc lập chuyên đề về Quỹ bình ổn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương; báo cáo kiểm tra sản lượng, chủng loại xăng dầu thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Báo cáo kiểm toán chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu bao gồm: Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đầu kỳ báo cáo, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được thực hiện trích lập, chi sử dụng trong kỳ báo cáo, tổng số tiền trích lập, tiền chi sử dụng quỹ, tiền lãi phát sinh trên số dư và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, sao kê chi tiết tài khoản ngân hàng trong kỳ báo cáo…
Ngoài ra, định kỳ ngày 15 hằng tháng, thương nhân cũng phải có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về liên bộ Công Thương – Tài chính tình hình thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu, thông tin báo cáo.
Ngân hàng sẽ thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp
Những ngày qua, ở nghị trường Quốc hội, vấn đề quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu mà Báo Lao Động phản ánh nhận được sự quan tâm, theo dõi của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc giao quỹ cho doanh nghiệp dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không tuân thủ quy định, không kết chuyển số dư quỹ vào tài khoản ngân hàng. Thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã “mượn tạm” quỹ để bù đắp; có doanh nghiệp chiếm dụng quỹ để thế chấp ngân hàng. Đại biểu kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải nhanh chóng “vá lỗ hổng” trong quản lý vấn đề này.
Trả lời Báo Lao Động bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra giải pháp: Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải mở một tài khoản chuyên thu chi riêng, giao ngân hàng thương mại quản lý. Khi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị rút giấy phép, ngay lập tức số tiền của Quỹ bình ổn giá xăng dầu nộp vào ngân sách Nhà nước, như vậy mới quản lý và tránh được các rủi ro không đáng có.
“Trong cuộc họp với Bộ Công Thương gần đây góp ý về dự thảo Nghị định 95, Bộ Tài chính đã nêu ý kiến về việc ngân hàng sẽ thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo thông báo điều hành giá xăng dầu của cơ quan nhà nước. Khi trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải có quyết định của Bộ Công Thương, mọi chuyện phải rõ ràng” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.