Vịnh Hạ Long vừa qua đã được UNESCO điều chỉnh lớn theo hướng mở rộng ranh giới sang Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), trở thành di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Cả 2 vùng biển hiện đều phát triển du lịch với các điều kiện tương đối giống nhau, vậy làm sao để hài hoà lợi ích khi kết nối du lịch Vịnh Hạ Long – Cát Bà?
Vịnh Hạ Long có thể nói là “con gà đẻ trứng vàng” của du lịch Quảng Ninh kể từ khi được ghi danh là di sản thế giới. Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho hay, mỗi năm có hàng triệu lượt tìm kiếm trên google về Vịnh Hạ Long, trung bình hằng năm di sản thu hút khoảng 4 triệu lượt khách tham quan. Tính từ năm 2002 đến 2020, Vịnh Hạ Long đã thu phí tham quan đạt 6.500 tỷ đồng, năm 2018-2019 đóng góp khoảng 3-4% GDP của tỉnh. Đây là những con số rất ấn tượng, tạo động lực cho du lịch Quảng Ninh…
Quần đảo Cát Bà nằm trong ranh giới di sản thế giới bao gồm Vịnh Lan Hạ, Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà… cũng có vẻ đẹp độc đáo, tạo sức hút tương đối lớn với du khách và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong những năm gần đây. Mặc dù mức độ phát triển có khác nhau nhưng loại hình kinh doanh du lịch giữa hai bên tương đối giống nhau, nhất là với hệ thống tàu du lịch đưa khách đi tham quan và lưu trú, nghỉ đêm trên vịnh.
Kết nối du lịch theo hướng nào?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hằng năm giữa Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và huyện Cát Hải, nơi có quần đảo Cát Bà, đều ký quy chế phối hợp về công tác quản lý, vệ sinh môi trường, cứu hộ, cứu nạn…
Vịnh Hạ Long – Cát Bà cũng đã và đang có sự kết nối trong những năm qua theo 3 cách: Thông qua tuyến phà Tuần Châu – bến Gia Luận (Cát Bà); thông qua tàu du lịch chạy theo tuyến 5 Cảng tàu (Quảng Ninh) – bến Gia Luận (Cát Bà – Hải Phòng), đi qua các điểm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hang Ba Hang, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái rồi đến Cát Bà và bến Gia Luận; kết nối bằng tàu chuyên tuyến.
Hiện nay, di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà có 3 “cổng”, trong đó phía Quảng Ninh có 2 “cổng” là 2 cảng tàu, phía Hải Phòng có 1 “cổng” là bến Gia Luận, từ đó mở ra các tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ.
Điều đáng quan tâm là việc quản lý, kết nối du lịch giữa 2 vịnh theo hướng nào sau khi di sản mở rộng về ranh giới để đảm bảo lợi ích cho cả địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch?
Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch, nhấn mạnh: Cần rà soát, bàn bạc về các cơ chế, chính sách để phát huy những ưu thế, chỉ ra những điểm cả hai bên chưa làm được trong thời gian qua để có cách thức quản lý tốt hơn trong thời gian tới.
2 tỉnh thành cũng cần bàn bạc, có những kiến nghị với Bộ VH-TT&DL cũng như Chính phủ có hành lang pháp lý để căn cứ vào đó xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý của hai bên đối với di sản liên tỉnh. Xem lại quy chế phối hợp hiện có giữa hai bên để làm tốt hơn. Đồng thời quan tâm đến công tác quảng bá, để quảng bá du lịch, quảng bá ra thế giới về di sản với những đối tượng khách du lịch tiềm năng
Mở rộng không gian phát triển là cơ hội, động lực mới, tuy nhiên đây cũng là thách thức không nhỏ khi di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà gia tăng về diện tích vùng lõi, vùng đệm. Ông Phạm Đình Huỳnh phân tích: Để quản lý, khai thác tốt di sản cần đánh giá đúng nguồn lực của quần thể di sản; xây dựng được chiến lược quản lý, bảo vệ. Theo đó, trước mắt cần có những cơ chế để quản lý chặt chẽ của mỗi tỉnh, từ đó có sự liên kết, thống nhất về chủ trương; có sự điều phối giữa 2 tỉnh, Bộ VH-TT&DL để có sự quản lý tốt hơn.
Trong khuyến nghị của Uỷ ban Di sản thế giới đặt ra, cần áp dụng đánh giá sức tải của Vịnh Hạ Long sang quần đảo Cát Bà để thống nhất về cách thức thực hiện. Để giảm thiểu tác động tiêu cực tới di sản cần quản lý chặt chẽ từ kinh tế du lịch tới môi trường 2 vùng Hạ Long, Cát Bà; có những kế hoạch dài hơi cho phát triển du lịch để đưa di sản hội nhập với thế giới và có những liên kết giữa 2 tỉnh để khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ tốt các giá trị di sản.
Doanh nghiệp du lịch nói gì?
Về phía các doanh nghiệp, việc mở rộng vùng di sản thiết nghĩ cũng là cơ hội để các đơn vị có sự cạnh tranh, tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm, tour tuyến tham quan, gia tăng chất lượng dịch vụ trong tâm thế mới.
Anh Phạm Thanh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long Pacific, chia sẻ: Việc mở rộng di sản mở ra nhiều cơ hội, cơ hội đến từ việc mở rộng sức cung của sản phẩm du lịch, cơ hội về số lượng khách tăng lên. Nhưng cơ hội đi kèm thách thức, mặc dù sức tải chung của Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là rất lớn nhưng còn phụ thuộc vào sức tải của từng điểm đến như bãi tắm Ti tốp, động Thiên Cung, Sửng Sốt…, ở vùng biển Cát Bà cũng thế. Điều này đòi hỏi 2 cơ quan quản lý phải bàn bạc, đánh giá kỹ lưỡng.
Nói thêm về điều này, ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, đề xuất giữ nguyên vùng hoạt động và lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Lan Hạ.
Ông phân tích: Từ năm 2006 đến nay, Quảng Ninh hạn chế đóng mới thay thế tàu du lịch, vì vậy con số tàu du lịch vẫn duy trì hơn 500 tàu cho tới nay. Tỉnh cũng có quy hoạch rất bài bản, ban hành nhiều văn bản để quản lý tàu du lịch và phân ra tàu tham quan, tàu lưu trú, tàu nhà hàng… Các dịch vụ này đều có luồng tuyến và thời gian chạy riêng, không bị chồng lấn về thời gian, luồng tuyến của nhau, đảm bảo ATGT, giữ được môi trường.
Việc mở rộng vùng di sản là điều rất mừng cho TP Hải Phòng, trong đó có Vịnh Lan Hạ. Cùng với công tác bảo tồn, thành phố cũng đã chia ra các tuyến, điểm tham quan và các tàu tham quan, tàu lưu trú được chạy ở khu vực nào. Vậy thì Hải Phòng cũng phải có quy chế để duy trì, bảo vệ được môi trường, cảnh quan du lịch và nhất là đảm bảo ATGT đường thuỷ nội địa không bị xung đột, quá tải. Nếu chúng ta không quản lý, duy trì tốt mà bây giờ “liên thông”, số lượng tàu hai bên dồn sang nhau tự do thì sẽ phá vỡ ATGT đường thuỷ, các cảng bến, điểm tham quan sẽ bị quá tải.
Du lịch trên Vịnh Hạ Long có kinh nghiệm phát triển lâu hơn, cơ sở hạ tầng cảng bến được đầu tư quy mô, tầm cỡ hơn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn TP Hải Phòng trong thời gian tới cũng sẽ có quy hoạch, đầu tư xứng tầm cho cảng bến như bến Gia Luận đạt tiêu chuẩn, tầm cỡ quốc gia, quốc tế để đón khách du lịch.
Ông Hồng cho biết thêm: Tiêu chuẩn quản lý tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long hiện khác với Hải Phòng. Các tàu du lịch của Quảng Ninh có sự đầu tư trong bảo vệ môi trường rất tốt. Giá vé tham quan, lưu trú trên vịnh giữa hai bên cũng còn có sự chênh lệch, tạo ra những bất cập, cần thống nhất và có cơ chế đảm bảo đã bước chân xuống di sản là phải mua vé…
Bên cạnh đó, anh Chiến cũng bày tỏ sự quan tâm về những tuyến điểm sẽ khai thác chung/riêng cho những sản phẩm, phương tiện của hai bên khi kết nối du lịch hậu mở rộng ranh giới di sản Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà.
Anh đề xuất: Việc này chưa hề có quy định, cần sớm đưa vào những cuộc họp của 2 cơ quan quản lý. Rồi về công tác cứu hộ cứu nạn, việc tàu thuyền của Hạ Long mà di chuyển sang bên Cát Bà và ngược lại, nếu sau này được phép, nếu không có cơ quan quản lý chung thì việc cứu hộ cứu nạn sẽ khó khăn, đặc biệt là công tác đuối/đắm nước hay là công tác phòng cháy chữa cháy. Mong là Hạ Long sớm đưa vào hoạt động những bãi tắm và những hang động chưa được khai thác trên Vịnh Hạ Long để tổ chức những tour liên kết với Vịnh Lan Hạ. Doanh nghiệp chúng tôi rất mong khi 2 cơ quan quản lý chung họp trong quá trình xây dựng chính sách thì Chi hội Tàu du lịch, Hiệp hội Du lịch hai bên được tham gia cùng, để đóng góp ý kiến từ góc độ doanh nghiệp…
Có thể thấy, việc mở rộng ranh giới, trở thành di sản thế giới liên tỉnh Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là cơ hội để khai thác, thúc đẩy du lịch phát triển lên tầm cao mới. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới về công tác quản lý, phát huy giá trị, khai thác di sản theo hướng bền vững, đảm bảo lợi ích nhiều bên, đòi hỏi các địa phương trong vùng di sản cần sớm có được sự thống nhất chung.