Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 3/11, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không nên quy định cứng; đồng thời, cần rà soát thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột giữa các luật.
Rà soát kỹ để không mâu thuẫn, xung đột
Thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu nhất trí, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cơ bản được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn, trên cơ sở rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia và nhân dân. Dự thảo luật thể hiện rõ ràng hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đối với dự án luật quan trọng của đất nước. Các đại biểu kỳ vọng, dự thảo Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.
Cho ý kiến về các quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, hiện các quy định này đang bị “chia tách, một nửa tại Chương V của dự thảo Luật, một nửa được sửa đổi vào Luật Quy hoạch”.
Ví dụ về quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, căn cứ và nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại điều 65 của Luật Đất đai. Trong khi đó, nội dung của quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại điều 24 của Luật Quy hoạch và được điều 252 của Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung. Tương tự đối với quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và các loại đất khác.
“Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo, sau khi ban hành, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Nội dung nằm trong Luật Quy hoạch nhưng căn cứ lại thuộc Luật Đất đai. Do đó, các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung trong Chương V của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); đồng thời bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch”, đại biểu Trần Thị Vân nêu.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, việc thực hiện phân cấp phân quyền theo hướng triệt để, phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất cho các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc tố tụng đáng tiếc tại một số tỉnh thành liên quan đến tính toán, xác định giá những “khu đất vàng” chưa phù hợp để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật trường hợp giá trị của khu đất tính theo bảng giá có giá trị lớn đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt khi giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. “Cần có cơ chế kiểm soát ngay từ ban đầu với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước có chuyên môn sâu, khi đề xuất phương án giá đất đảm bảo không gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, không nên chờ đến khâu hậu kiểm”, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, còn nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất; kiến nghị cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án Luật.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, Luật Đất đai là luật rất quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; do đó, cần khẳng định hiệu lực pháp lý cao hơn, xem xét bổ sung một điều về áp dụng pháp luật như bản dự thảo lấy ý kiến nhân dân. “Việc bổ sung thêm điều này chính là giải pháp để giải quyết các xung đột pháp luật, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất đai do lịch sử để lại, từ yêu cầu mới của thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Duy Minh nói.
Khoản 2, khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cụ thể, song trên thực tế, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng vẫn còn có những cách hiểu và áp dụng khác nhau. Kỳ họp lần này dự kiến thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu cho rằng, “cần rà soát để đảm bảo không mâu thuẫn, xung đột”.
Không nên quy định “cứng”
Góp ý về điều kiện về khu tái định cư, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nói, dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục…, phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…
“Với những quỹ đất hiện nay, thực tế, khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng phải đủ 3 điều kiện như vậy thì vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư rất khó khả thi, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Dự thảo Luật cũng quy định khu tái định cư phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư – nơi có đất bị thu hồi, cũng rất khó khả thi vì phong tục, tập quán là những nét văn hóa đặc trưng, mang màu sắc riêng, không địa phương nào giống địa phương nào. Khi được tái định cư có người được tái định cư ngay tại địa phương nơi có đất bị thu hồi, có người phải di chuyển sang địa phương khác vì quỹ đất ở đó không còn”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nêu.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.
Về 2 phương án mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa (trừ trường hợp tặng cho cho người thuộc hàng thừa kế) phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính lý giải, quy định theo hướng này sẽ bảo đảm cho công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân trục lợi, thu gom đất trồng lúa nhằm tích trữ, đầu đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
“Bên cạnh đó để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tính trạng không quản lý được quỹ đất”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nêu.
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đảm bảo cho ba nội hàm: Công tác quản lý của nhà nước, quyền lợi của Nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với quy định về các trường hợp nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá, đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, để phát triển kinh tế – xã hội mà nhà nước phải thu hồi đất thương mại dịch vụ, không phải đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp như đất trụ sở cơ quan, đất nhà hàng, siêu thị, khách sạn, trạm xăng, trạm dừng nghỉ, trạm sạc điện xe…, người thu hồi đất sẽ không được thuê đất để tiếp tục kinh doanh.
“Muốn kinh doanh, người bị thu hồi đất phải tìm đất đấu giá nhưng nếu đấu giá không được sẽ phải dừng hoạt động, đóng cửa và sa thải người lao động. Như vậy không đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của người đang sử dụng đất, không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận đất đai”, đại biểu Hà Đức Minh nói và đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng cho thuê đất không qua đấu giá đối với trường hợp này để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh và theo nguyên tắc thu hồi, sẽ bố trí lại để tái sản xuất.