Bộ Công Thương mới ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, cơ bản đạt mức bình quân của giai đoạn trước dịch bệnh COVID-19. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm 2021 tăng 3,16% (vẫn trong giới hạn mục tiêu Quốc hội giao dưới 4%). Những kết quả trên cho thấy thị trường hàng hóa trong nước đã có những chuyển biến tích cực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, do khu vực sản xuất còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và do đó ảnh hưởng đến sức mua và đời sống của người dân.
Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa thế giới sẽ còn nhiều biến động do tác động của các vấn đề bất ổn chính trị đang tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực, giá các hàng hóa thiết yếu nhóm năng lượng có xu hướng tăng; giá lương thực ở mức cao; tỷ giá, lãi suất ở mức cao; lưu thông hàng hóa và thương mại gặp trở ngại do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, phân chia khu vực… Các nhân tố trên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và thị trường trong nước nói riêng.
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Theo đó, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đồng thời, chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Các Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đồng thời, chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Cùng với đó, tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do thiên tai với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hoá đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo…nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng người dân có thu nhập trung bình và thấp…
Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa phục vụ Tết chủ động có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.
Các đơn vị sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dùng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá….
Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống….
Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản đển thời kỳ thu hoạch trong giai đoạn cuối năm; theo dõi sát tình hình xuất, nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm ưu tiên bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu cho thị trường trong nước giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng,…