Những năm gần đây, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại trên địa bản tỉnh có những bước phát triển đáng kể, đưa Quảng Ninh trở thành một điểm giao thương năng động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày càng phát triển.
Nếu như trước đây hoạt động lưu chuyển và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa thì nay sự xuất hiện các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Cùng với đó, chất lượng các ngành dịch vụ được cải thiện hơn trước, hàng hóa phong phú, giá cả ổn định. Khi mua sắm, các thông số kỹ thuật, hạn sử dụng, chế độ bảo hành, tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa đã được chú trọng. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 135 chợ (22 chợ hạng 1, 23 chợ hạng 2 và 90 chợ hạng 3); 11 Siêu thị tổng hợp; 7 Trung tâm thương mại; 142 cửa hàng tiện lợi; 26 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP.
Điển hình như TX Quảng Yên, thời gian qua đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh trong quản lý dữ liệu hoạt động của các loại hình thương mại trên địa bàn; tập trung nghiên cứu, xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ công tác quản lý; quan tâm tu bổ, nâng cấp và xây mới các chợ truyền thống… Hiện trên địa bàn thị xã đang có 1 siêu thị hạng 2; 1 trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 15 chợ truyền thống. Trong đó Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Yên được xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 8/2015. Đại diện Công ty cho biết, tại Trung tâm đang trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh, sản phẩm nông sản đặc trưng của Quảng Yên và một số huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh. Trung tâm đang hoạt động theo hình thức “đầu tư công – quản trị tư”, do Công ty TNHH phân phối sản phẩm dịch vụ OCOP quản lý. Các sản phẩm bày bán được đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo về mặt thương hiệu. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Công ty sẽ tiếp tục cập nhật các sản phẩm mới, tăng cường thực hiện các quy định về pháp luật trong buôn bán, kinh doanh và cung cấp nguồn hàng đầy đủ với chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Chị Đào An Khánh, khách mua hàng tại Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Yên, cho biết: Từ khi trên địa bàn phát triển hệ thống các cửa hàng an toàn, các siêu thị, Trung tâm giới thiệu sản phẩm… tôi cũng như bạn bè rất hay tới những điểm này để mua sắm. Các loại thực phẩm được bán đều có nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn mác kiểm định chất lượng sản phẩm, giá cả cũng ổn định nên người dân chúng tôi rất yên tâm. Bên cạnh đó, các cửa hàng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, các hình thức trả tiền qua thẻ ngân hàng… giúp người dân đa dạng hình thức thanh toán.
Nhờ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, thời gian qua, lĩnh vực thương mại – dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã phát triển ổn định, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong phương thức, cách thức quản lý, vận hành và đặc biệt hơn là sự văn minh trong cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Để các dịch vụ hoạt động hiệu quả, đảm bảo chất lượng và quyền lợi người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư, các địa phương và sở, ngành liên quan thường xuyên quan tâm tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình hoạt động, quản lý, kinh doanh; tiếp thu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, hoạt động… Điển hình, tháng 9 vừa qua, Sở Công Thương đã thành lập đoàn công tác thực hiện rà soát, đánh giá một số loại hình hạ tầng thương mại tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ; cơ sở thu mua nông, thủy sản, đặc sản địa phương; các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 12/13 địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát cho thấy bên cạnh những mặt tích cực, công tác phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải những khó khăn nhất định về công tác quản lý đối với những cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là mạng lưới chợ tuy có bước phát triển nhưng chất lượng còn hạn chế; công tác vận hành chợ sau chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác còn khó khăn; các nhà đầu tư có tâm lý e ngại sự thay đổi về chính sách khi thực hiện đầu tư số vốn lớn vào chợ…
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, để xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm giao thương năng động, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại; tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng dự án đầu tư hạ tầng dịch vụ thương mại phù hợp với điều kiện và định hướng cho từng vùng, từng địa phương. Cùng với đó sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thương mại, trong đó quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn, miền núi để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; quan tâm phát triển thương mại điện tử; phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống, giữa thị trường đô thị và nông thôn… tạo đà cho ngành thương mại tăng tốc, phát triển.