Tỉnh Quảng Ninh đang có trên 434.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 55%, mức cao so với toàn quốc. Theo đánh giá của giới chuyên môn, toàn bộ 175.000ha rừng trồng và rừng sản xuất của Quảng Ninh đều cần thực hiện cấp chứng chỉ rừng để nâng cao giá trị.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đang có trên 9.500ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng. Chủ yếu tập trung ở dự án liên kết thực hiện cấp chứng chỉ rừng giữa HTX lâm nghiệp Thuận Nhiên (Ba Chẽ) với hơn 1.000 hộ trồng rừng trên địa bàn huyện. Trong đó, xã Thanh Lâm trên 1.400ha, Thanh Sơn 2.600ha, Đồn Đạc 2.500ha, Nam Sơn 3.000ha. Đối với diện tích rừng này, gỗ sau khi khai thác được xác nhận nguồn gốc, đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới, đạt mức giá cao hơn từ 10-30%, mang lại lợi nhuận cho chủ rừng cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản. Rừng được cấp chứng chỉ cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, duy trì và gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững mà tỉnh đề ra.
Tiếp tục đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ rừng, mới đây Sở NN&PTNT phối hợp với Văn phòng chứng chỉ Quản lý rừng bền vững quốc gia và Chi hội viên nén gỗ Việt Nam tổ chức hội nghị thúc đẩy quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng và quy định sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (EUDR) với sự tham gia của đông đảo các chủ rừng lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, các chủ rừng được nắm rõ hơn về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) cũng như các bước thực hiện chứng chỉ rừng; được tham khảo các mô hình liên kết thực hiện chứng chỉ rừng ở Quảng Ninh. Thông qua hội nghị, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng tạo cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác liên kết thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững, đầu tư, bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhằm hỗ trợ và tạo mối liên kết ổn định, hài hòa lợi ích giữa các bên. Cũng tại hội nghị, Công ty TNHH Thương mại sản xuất dăm gỗ Hoàng Long (trụ sở tại TX Đông Triều) cũng đã cam kết liên kết với các chủ rừng, hỗ trợ 100% chi phí thực hiện mới việc cấp chứng chỉ rừng và hỗ trợ chi phí duy trì hiệu lực chứng chỉ rừng trong 5 năm.
Theo rà soát của Sở NN&PTNT, ngoài trên 9.500ha rừng đã được cấp chứng chỉ, toàn tỉnh còn trên 165.000ha rừng trồng của toàn tỉnh hiện nay cần cấp chứng chỉ rừng. Qua tổng hợp đăng ký nhu cầu cấp chứng chỉ rừng của các địa phương đến năm 2025, sẽ có thêm 23.000ha rừng hiện sẽ được cấp chứng chỉ rừng. Như vậy đến hết năm 2025, Quảng Ninh có thể có trên 30.000ha rừng được cấp chứng chỉ. Con số này vẫn còn tương đối nhỏ so với tổng diện tích rừng sản xuất của toàn tỉnh cần cấp chứng chỉ rừng để nâng cao hiệu quả hiện nay.
Mặc dù rừng được cấp chứng chỉ mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Có thể thấy hiện nhóm chủ rừng là hộ gia đình, vốn có diện tích rừng không lớn, tiềm lực kinh tế cũng như hiểu biết về quy trình thực hiện chứng chỉ rừng, trong khi đó việc cấp chứng chỉ rừng cần phải đảm bảo 10 nguyên tắc, gồm các nguyên tắc (tuân thủ pháp luật; các quyền của người lao động và điều kiện làm việc; các quyền của người bản địa; quan hệ cộng đồng; các lợi ích từ rừng; giá trị và tác động môi trường; lập kế hoạch quản lý; giám sát và đánh giá; các giá trị bảo tồn cao và thực hiện các hoạt động quản lý).
Việc cấp chứng chỉ rừng là cần thiết để phát triển kinh tế rừng bền vững, giá trị cao. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế hiện nay cần phải có sự quyết liệt, hiệu quả hơn từ phía đơn vị chức năng, các doanh nghiệp lâm nghiệp và chính mỗi chủ rừng. Theo kinh nghiệm của các tỉnh thành đã nhân rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng là cần hình thành, duy trì hiệu quả mối liên kết dọc giữa doanh nghiệp chế biến với chủ rừng và mối liên kết ngang giữa chủ rừng với chủ rừng, tạo thành nhóm chủ rừng, trong đó các công ty TNHH MTV lâm nghiệp hoặc các HTX lâm nghiệp giữ vai trò cầm trịch, dẫn dắt.