Rừng của Quảng Ninh không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; cân bằng hài hòa giữa phát triển công nghiệp, khai khoáng và bảo vệ môi trường.
Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp tính đến năm 2030 là 390.573ha; trong đó có 372.684,78ha đất có rừng, đứng thứ 14/63 các tỉnh, thành trong cả nước. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh được giữ ổn định 55% và chất lượng rừng được nâng cao.
Trong những năm qua Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa quan điểm, chỉ đạo của Trung ương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Tỉnh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị, chương trình, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển lâm nghiệp được triển khai nghiêm túc, bài bản, sâu rộng, chi tiết, quyết liệt, có hiệu quả; trở thành nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện công tác năm, quý, tháng của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Các chương trình hành động, kế hoạch triển khai chỉ thị đã bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng, mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xác định những nhiệm cụ thể phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tỉnh đã chỉ đạo, điều hành, xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng liên ngành ở địa phương trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng, trong thanh tra, kiểm tra, giám sát chính quyền các cấp, các ngành đối với công tác quản lý và sử dụng rừng, đất rừng, tài nguyên than, khoáng sản, các KKT, KCN, đất lấn biển, đất có nguồn gốc lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và mặt nước ven biển, chuyển mục đích sử dụng rừng.
Triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, các địa phương đều nỗ lực thực hiện. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ quản lý rừng. Cấp uỷ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm và chủ động thực hiện PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, triển khai có hiệu quả chính sách khoán bảo vệ rừng, phát triển các mô hình quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, có sự tham gia của cộng đồng; duy trì, củng cố 24.904ha rừng đặc dụng tập trung…
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra về quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, qua đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những trường hợp sai phạm. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, quản lý đất lâm nghiệp; kiên quyết điều chỉnh, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, để đất lâm nghiệp hoang hóa, chuyển nhượng, cho, tặng đất trái phép.
Với sự phối hợp chặt chẽ, nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và các chủ rừng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, hiệu quả quản lý rừng được nâng lên rõ rệt, vi phạm về lâm nghiệp ngày càng được hạn chế. Từ năm 2022 đến hết tháng 9/2023 lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 123 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; trong đó có 121 vụ xử phạt vi phạm hành chính, 2 vụ khởi tố hình sự.
Cùng với thực hiện các giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp ứng dụng KHCN tạo đột phá nâng cao giá trị rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; phát triển nguồn nhân lực; huy động nguồn lực đầu tư phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp…
Hiện tổng diện tích trồng rừng tập trung đạt 25.441,2ha. Từ năm 2022 đến hết tháng 9/2023 tổng diện tích trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh đạt 249,1ha; trồng được hơn 1,58 triệu cây lâm nghiệp phân tán. Thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát ở những nơi có điều kiện phù hợp, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 3.357,58ha. Các đơn vị ngành than đã đẩy mạnh công tác trồng cây phủ xanh đất trống, bãi thải mỏ, cải tạo phục hồi môi trường trên diện tích kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản…
Thời gian tới, khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, các cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững đã đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trọng tâm là các nhóm giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển, nâng cao chất lượng rừng.