Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, ngày 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước và dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Tiếp đó, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật Căn cước hiện có 7 Chương, 46 Điều. Thảo luận về dự án luật, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào một số nội dung liên quan như: Tên gọi của dự thảo luật; nội dung giải thích từ ngữ, đặc biệt là một số khái niệm số định danh cá nhân, tích hợp thông tin; tính hợp lý trong quy định về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc phân loại thông tin cung cấp bắt buộc và thông tin cung cấp tự nguyện…
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao nhiều nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo luật. Đại biểu cho biết, Điều 5 về quyền và nghĩa cụ của công dân có quy định, công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ sau: Làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp; cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước.
Cùng với đó, công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật. Nộp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định tại Luật này. Tuy nhiên, dự thảo luật không bổ sung quy định quyền yêu cầu cơ quan quản lý về căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin tại khoản 1 Điều 5. Như vậy, công dân không có quyền và trách nhiệm chủ động đến cơ quan quản lý căn cước để cập nhật khi thông tin trong thẻ căn cước thay đổi, trong khi thông tin trong thẻ căn cước có nhiều thông tin động, thay đổi thường xuyên. Điều đó dẫn đến nảy sinh nhiều sai lệch thông tin trong giao dịch, khi công dân sử dụng thẻ căn cước, gây thiệt hại cho người dân, tổ chức liên quan. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong chọn lựa thông tin cố định lưu trữ, mã hóa, tích hợp trong thẻ căn cước.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cần khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan để tổ chức tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội xem xét thông qua, bảo đảm chất lượng, đúng chương trình Kỳ họp và tạo được sự đồng thuận cao.
Mở đầu phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Với 470 đại biểu tán thành bằng 95,14% trong tổng số 472 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín theo 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp với 44 lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật như: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, đặc biệt là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Tài sản công, Luật Giá, Luật Đấu giá tài sản, Luật Cơ yếu, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.