Thời gian qua, Hạ Long đã huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược; tạo đà cho việc thúc đẩy toàn diện kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Thành phố tập trung thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, khu, cụm công nghiệp, cảng biển… Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công…
Hiện một số công trình trọng điểm, dự án mang tính kết nối đều đảm bảo tiến độ thi công. Như Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm và Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn thi công đều đạt 71% khối lượng theo hợp đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023…
Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long “về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn các phường thuộc thành phố”, trên địa bàn thành phố có 15 dự án giao BQL dự án đầu tư xây dựng thành phố triển khai, trong đó 5 dự án đã thi công xong, 7 công trình đang thi công, 3 dự án nhà văn hóa đã phê duyệt chủ trương đang chờ phương án kiến trúc mặt đứng. Hiện trên địa bàn còn có 76 dự án đã được HĐND thành phố chấp thuận danh mục đầu tư giao cho UBND các phường gồm 52 dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông và 24 nhà văn hóa chờ thực hiện. Thành phố cũng đang nghiên cứu 23 dự án và tiếp tục rà soát các công trình, thủ tục… dự kiến thực hiện trong năm 2024.
Cùng với đó, thành phố còn chỉ đạo rà soát các quỹ đất, nghiên cứu lập quy hoạch, xây dựng bãi đỗ xe tĩnh, vườn hoa công viên, điểm vui chơi công cộng, nhà vệ sinh công cộng, các điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt… Rà soát trụ sở các xã, phường để có phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đảm bảo phục vụ tốt về điều kiện làm việc và đồng bộ về hình thức, hạ tầng.
Bên cạnh đầu tư về kết cấu hạ tầng, Hạ Long còn đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số. Thành phố tổ chức chấm điểm, triển khai, hướng dẫn, thẩm định chấm điểm kết quả công tác CCHC năm 2023 các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường; đồng thời thực hiện kiểm tra đột xuất kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ 57 lượt/51 đơn vị.
Được biết, hiện có 345 thủ tục hành chính (TTHC) được niêm yết, công khai tại trung tâm HCC thành phố. Từ đầu năm đến 31/8/2023, có 115.086 hồ sơ tiếp nhận và giải quyết tại trung tâm HCC thành phố, tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn chiếm 99,89%. Việc cung cấp các dịch vụ công, số hoá hồ sơ kết quả TTHC được chú trọng, thực hiện có hiệu quả. Qua giám sát cho thấy, việc tiếp nhận giải quyết TTHC tại trung tâm HCC thành phố đã đem lại sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong tổng số phiếu đánh giá hài lòng về việc giải quyết TTHC thì tỷ lệ phiếu đánh giá rất hài lòng đạt 94,2%; tỷ lệ phiếu đánh giá hài lòng đạt 5,8%.
Năm 2022, Hạ Long xếp hạng 2/13 địa phương, nằm trong nhóm các địa phương có kết quả rất tốt, tăng 6 bậc so với năm 2021 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh DDCI. Năm 2023, UBND thành phố tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm phấn đấu duy trì thứ hạng và nâng điểm các chỉ tiêu cải thiện đầu tư. 9 tháng năm 2023, trên địa bàn thành phố tăng thêm khoảng 1.000 đơn vị, doanh nghiệp. Hiện Chi cục Thuế thành phố đang quản lý là 4.669 đơn vị doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 4.339 đơn vị, tổ chức kinh tế khác là 330 đơn vị.
Hạ Long tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5/2/2022 của BTV Tỉnh ủy về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, 100% hồ sơ được số hóa ngay từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả cho người dân.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, 9 tháng năm 2023, thành phố đã phối hợp rà soát, mở 3 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 75 học viên là đối tượng lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số tại xã Sơn Dương và xã Bằng Cả; 2 lớp đào tạo nghề nghiệp vụ du lịch gia đình cho 51 học viên; 1 lớp đào tạo nghề thêu thổ cẩm cho 20 học viên dân tộc thiểu số. Thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí học tập theo quy định của trung ương, của tỉnh cho 4.995 lượt học sinh, sinh viên với tổng số tiền là 9.453,09 triệu đồng…
Thực hiện ba đột phá chiến lược ở Hạ Long đã góp phần tạo đà cho kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế 9 tháng năm 2023 của thành phố tăng 10,9% so với cùng kỳ 2022.