Ngày 20/10, tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) tỉnh Quảng Ninh tổ chức gắn biển Công trình Cung Trúc lâm Yên Tử nhân dịp chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh.
Dự lễ gắn biển có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.
Công trình Cung Trúc Lâm Yên Tử do Kiến trúc sư Bill bensley thiết kế, có tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 250 tỷ đồng, do Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích hơn 6000m2, có sức chứa từ 5.000 đến 7.000 người, kiến trúc thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ yếu tố, cảm hứng kiến trúc cổ còn sót lại ở Yên Tử, kiến trúc sư đã nhân bản một số đường nét cơ bản và truyền tải tinh thần nhà Trần, thế kỷ XIII vào toàn bộ quy hoạch, kiến trúc tổng thể và chi tiết của toàn bộ quần thể. Ngôn ngữ kiến trúc cung Trúc Lâm tiếp nối giá trị văn hóa, tinh thần, thiên nhiên của đất nước và con người Việt Nam, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc với tinh thần, tâm hồn người Việt. Các hình ảnh, cách bài trí quen thuộc, nhiều vật liệu tự nhiên được sản xuất thủ công hài hòa với quần thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm và lễ hội Yên Tử.
Quần thể mới này là một vùng đệm, làm nền, bổ sung, tôn vinh, tăng thêm giá trị cho vùng lõi di tích. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo, tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Cùng với chùa Đồng, Tượng Phật Hoàng và các công trình khác, sau khi khánh thành đưa vào sử dụng, Cung Trúc Lâm tạo cho Yên Tử một diện mạo mới mang tính liên kết, đồng bộ, góp phần vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị nhiều mặt của khu di tích danh thắng Yên Tử, nối liền quá khứ hiện tại và tương lai.
Được biết, hiện Quảng Ninh đã phối hợp với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang để hoàn thiện và trình hồ sơ, được Chính phủ đồng ý gửi tới UNESCO đề nghị công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới. Nếu được thông qua, đây sẽ là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam, khẳng định vai trò là kinh đô Phật giáo Việt Nam, trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh và ngành du lịch của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của chủ đầu tư, các nhà thầu triển khai thực hiện công trình đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, tạo điểm nhấn trong kiến trúc tại di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử.
Đồng chí nhấn mạnh: Hưởng ứng đợt phát động phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề “Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại” ngay từ đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn ra sức thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng ngày kỷ niệm, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 10 tháng đầu năm trên địa bàn toàn tỉnh đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương đã khẩn trương hoàn thành các dự án, công trình để gắn biển đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, tạo sự lan toả, khí thế sôi nổi trong toàn tỉnh. Trong đó, Công trình Cung Trúc lâm thuộc dự án Khu Trung tâm lễ hội là một dự án có ý nghĩa và tầm quan trọng, được lựa chọn là công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh.
Nói đến Yên Tử là nói đến một vùng đất Phật, hội tụ đầy đủ tinh thần Phật giáo và mang nét đặc trưng, độc đáo của Việt Nam; một dòng thiền nhập thế, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tư tưởng “Hoà quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”, lấy Đạo để xây Đời và qua Đời để dựng Đạo, trên 700 năm qua, Phật giáo Trúc lâm với tư tưởng, giáo lý của một dòng thiền, với những bản kinh sách quý giá, những áng thơ văn, với những dấu tích gắn liền với nơi tu tập và con đường hoằng dương phật pháp của một vị vua cùng các thiền sư, Tăng, Ni đã trở thành những di sản vật thể và phi vật thể có giá trị vô giá đối với hậu thế. Những di sản này đã và đang được lan tỏa, kế thừa, phát huy rộng khắp ở Việt Nam. Chính vì vậy, Yên Tử luôn được xem là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, là chốn hành hương hội tụ của hàng triệu du khách, nhân dân, Phật tử mỗi năm.
Đồng chí mong muốn rằng, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ phát huy được giá trị, hiệu quả sau đầu tư, phục vụ việc tổ chức các sự kiện trong khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, góp phần thu hút đông đảo du khách thập phương đến với khu di tích. Qua đó, góp phần phát triển du lịch tâm linh theo đúng định hướng của tỉnh đối với TP Uông Bí.
Lễ gắn biển công trình Cung Trúc lâm Yên Tử diễn ra trước thời điểm Quảng Ninh tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh đã nhân lên niềm tự hào, tạo không khí thi đua sôi nổi của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Từ đó, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh và thành tựu kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung, tiềm năng du lịch trên địa bàn TP Uông Bí nói riêng.