Mặc dù có những khó khăn nhất định song với những giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực, gắn liền với thực tiễn, ngành công nghiệp – xây dựng của tỉnh trong 9 tháng đầu năm đã có sự phát triển bứt phá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng của Quảng Ninh 9 tháng năm 2023 tăng 10,13%, cao hơn 1,53 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ 2022 (cùng kỳ 8,6%), cao hơn 0,7 điểm % so với kịch bản tăng trưởng đề ra đầu năm. Đây là số tăng cao nhất kể từ năm 2020, điều này cho thấy, ngành công nghiệp – xây dựng của tỉnh đã và đang đi đúng định hướng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.
Đối với ngành công nghiệp khai khoáng, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm tăng 3,13%. Mặc dù có thấp hơn 6,81 điểm % so với cùng kỳ 2022 (cùng kỳ 9,94%) nhưng lại cao hơn 2,98% kịch bản, đóng góp 0,58 điểm % vào tăng trưởng GRDP. Ngành than bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023 có nhiều khó khăn do một số mỏ than lộ thiên chưa được điều chỉnh, cấp phép khai thác nhưng với quyết tâm cao, ngành than đã khắc phục khó khăn, không ngừng đầu tư cải tiến hệ thống dây chuyền sản xuất, đẩy mạnh khai thác than hầm lò. Từ đó, sản lượng than sạch sản xuất 9 tháng đạt 33,03 triệu tấn, bằng 95,7% so với cùng kỳ, bằng 99,9% so với kịch bản tăng trưởng đề ra đầu năm.
Cùng với ngành than, hoạt động sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước cũng tăng 13,64%, cao hơn so cùng kỳ năm 2022, đóng góp 1,81 điểm % vào tăng trưởng GRDP. Riêng đối với sản lượng điện, sản xuất 9 tháng đạt trên 28 tỷ kwh, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022. Nguyên nhân do các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh được huy động sản xuất tối đa nhằm cung cấp, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của thị trường, nhất là trong mùa hè cao điểm vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Các nhà máy điện mặc dù đã gặp những sự cố và thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tỉnh trực tiếp tháo gỡ kịp thời. Từ đó, đã giải quyết triệt để những khó khăn, ưu tiên nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.
Ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với nhiều nhà máy được đầu tư tại địa bàn KCN đi vào hoạt động ổn định đã có mức tăng 15,71%, cao hơn 4,24 điểm % so với kịch bản tăng trưởng đề ra đầu năm, đóng góp 2,0 điểm % tăng trưởng GRDP. Nguyên nhân tăng do một số doanh nghiệp có sản xuất sản phẩm mới, sản lượng tăng so với cùng kỳ, nổi bật như: Công ty TNHH Thời trang Dệt Kim Việt Nam, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam; Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar…
Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng so cùng kỳ như: Comple, quần áo đồng bộ tăng 75%; thân mũ tăng 8,7%; tấm sàn Vinil Tines tăng 178,5%; tấm Silic tăng 105,7%; vòng tay thông minh đạt trên 1,3 triệu cái; vải dệt kim đạt 1.968 tấn.
Cũng như nhiều năm gần đây, ngành xây dựng của Quảng Ninh luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế. 9 tháng, ngành xây dựng của tỉnh tăng 12,21%, đóng góp 0,72 điểm % tăng trưởng GRDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 73.264 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2022, trong đó: Vốn nhà nước đạt 19.366 tỷ đồng, chiếm 26,4%, bằng 90,7% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước đạt 30.316 tỷ đồng, chiếm 41,4%, bằng 80,8% so với cùng kỳ; vốn FDI đạt 23.582 tỷ đồng, chiếm 32,2%, tăng 204,7% so với cùng kỳ.
Từ nay đến cuối năm, ngành công nghiệp – xây dựng của tỉnh tiếp tục bám sát định hướng, chỉ đạo của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm; bảo đảm cung cấp đầy đủ, ổn định điện trong các KCN, CCN; tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cho ngành than, ngành điện để tận dụng các cơ hội thị trường tăng tối đa sản lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng và tăng thu ngân sách; rà soát kỹ lưỡng từng dự án đủ điều kiện khởi công, dự án còn vướng mắc về thủ tục hành chính, mặt bằng thi công, mỏ đất san lấp, đường công vụ, bãi tập kết… theo từng địa bàn, phấn đấu trong quý IV/2023 ngành công nghiệp – xây dựng tăng 15,61% và cả năm tăng 10,84%.