Công tác sàng tuyển, chế biến là khâu cuối của quá trình sản xuất, tiêu thụ than. Do đó, việc lựa chọn công nghệ sàng tuyển có ý nghĩa rất quan trọng trong mục tiêu giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao phẩm cấp, chất lượng than. Nhiều năm qua, các đơn vị sàng tuyển và một số mỏ đã duy trì hoạt động các dây chuyền tuyển huyền phù, bể lắng, thu hồi triệt để các loại than, kể cả than bùn với tỷ lệ phẩm cấp ngày càng cao.
Hệ thống tuyển huyền phù của Công ty Tuyển than Cửa Ông – TKV được áp dụng nhiều năm nay, nhằm tuyển ra các loại than cám có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Có hai công đoạn chính của công nghệ này là tuyển lắng và tuyển huyền phù.
Theo quy trình công nghệ, than nguyên khai được cấp vào tuyển lắng cho 3 sản phẩm là than, đá thải và trung gian. Sau quá trình phân loại cỡ hạt bằng hệ thống sàng rung than cấp hạt 15-35mm được vận chuyển vào bể chứa dung dịch huyền phù, sau đó than và dung dịch huyền phù được bơm cấp trực tiếp vào thiết bị xoáy lốc huyền phù phương tiếp tuyến với áp lực cao.
Dưới tác dụng của tỷ trọng huyền phù cộng với lực li tâm của bơm khi cấp vào xoáy lốc, các hạt than có tỷ trọng lớn sẽ chuyển động sát với thân máy; các hạt than có tỷ trọng nhỏ hơn sẽ chuyển động gần trục tâm máy.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Quản đốc Phân xưởng Tuyển than 2, Công ty Tuyển than Cửa Ông, quá trình này sẽ làm cho các hạt than có tỷ trọng nhỏ hơn (than chất lượng cao) di chuyển hướng lên phía trên thoát ra ngoài theo ống tràn đổ vào sàng than sạch để sàng phân loại than và thu hồi manhêtit. Phần còn lại là đá thải sẽ được vận chuyển ra các sàng để tiếp tục tận thu.
Sau quá trình tuyển huyền phù, sản phẩm là than đạt chất lượng cao đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, còn manhêtit sẽ được đưa qua hệ thống máy tuyển từ để thu hồi và quay vòng trở lại bể huyền phù.
Công nghệ tuyển huyền phù cũng được nhiều mỏ áp dụng và mang lại hiệu quả. Đơn cử như tại Công ty CP Than Đèo Nai, Công ty Than Hạ Long, Công ty CP Than Hà Lầm…, các hệ thống tuyển huyền phù được đầu tư từ khoảng 5-10 năm về trước, đến nay vẫn duy trì hoạt động và cho năng suất cao, chất lượng than tuyển ra tốt và ổn định.
Dây chuyền tuyển than bằng công nghệ huyền phù của Công ty CP Than Hà Lầm được đầu tư từ hơn 10 năm trước, công suất 400 nghìn tấn than/năm, hiện vẫn đang vận hành hiệu quả.
Ông Tạ Văn Tuyên, Trưởng phòng KCS – Tiêu thụ, Công ty CP Than Hà Lầm – Vinacomin cho biết: Nguồn than đầu vào cho dây chuyền sàng tuyển chủ yếu được lấy từ nguồn than khai thác hầm lò, một phần từ khai thác lộ thiên, than chất lượng thấp tồn đọng. Công nghệ của dây chuyền sàng tuyển than được lựa chọn sẽ sàng tách cám tối đa, tuyển than don xô cấp hạt (15-60) mm bằng máy tuyển huyền phù tự sinh. Than sạch sau tuyển được nghiền thành than cám để tiêu thụ trực tiếp hoặc pha trộn với than cám sau sàng, cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Trước đây công nghệ sàng tuyển than tại các mỏ than Việt Nam hầu hết là áp dụng công nghệ sàng khô tách cám than nguyên khai, nhặt tay thủ công và loại bỏ bớt đá thải tại mỏ. Do công nghệ tuyển chủ yếu là nhặt tay thủ công nên than còn lẫn bã sàng là tương đối lớn, vì vậy các mỏ thường phải tổ chức nhặt tay, sàng đi sàng lại nhiều lần làm tăng chi phí sản xuất, vỡ vụn than cục.
Sự ra đời của công nghệ tuyển huyền phù đã giúp TKV giải quyết được mọi vấn đề kể trên; giúp các đơn vị tăng cường năng lực sàng tuyển, chế biến than, giảm tồn thất than trong khai thác hầm lò, tăng tỷ lệ thu hồi than sạch. Thông qua hệ thống này, các đơn vị cơ bản xử lý được toàn bộ lượng than don xô, đất đá lẫn than chất lượng thấp đang tồn đọng; đồng thời quy hoạch lại mặt bằng sân công nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các đơn vị tuyển than của Tập đoàn cũng tăng sản lượng và chất lượng than sau tuyển, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.