Trong trailer phim “Người vợ cuối cùng’ của Victor Vũ, dàn diễn viên nói giọng Bắc, giọng Nam trong bối cảnh một làng quê Bắc Bộ thời phong kiến.
Hôm 17/10, bộ phim cổ trang Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ công bố trailer chính thức.
Tương tự Mắt biếc – bộ phim lấy bối cảnh Huế và miền Trung nhưng lại có diễn viên là người trong Nam, Người vợ cuối cùng kể câu chuyện hoàn toàn hư cấu dựa trên bối cảnh miền Bắc thời phong kiến và có dàn diễn viên đến từ cả hai miền Bắc và Nam.
Phim lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Hồ oán hận của tác giả Hồng Thái, cũng là cha vợ của đạo diễn Victor Vũ.
Victor Vũ chọn diễn viên, không chọn giọng nói
Hai nhân vật chính của bộ phim là Linh (Kaity Nguyễn) và Nhân (Thuận Nguyễn). Họ đều xuất thân từ gia đình nông dân nghèo.
Linh buộc phải gả làm vợ lẽ của quan huyện (nghệ sĩ Quang Thắng thủ vai), bỏ lỡ tình yêu đẹp với Nhân.
Cuộc sống của Linh trong phủ quan ngập tràn bi kịch vì sự chèn ép từ mợ cả (Kim Oanh), mợ hai (Đinh Ngọc Diệp) cũng như áp lực sinh con trai nối dõi.
Bên cạnh đó, những thi thể bí ẩn bị phát hiện tại làng Cua Ngộp khiến quan án sát phải cử thám tử Kiên (Quốc Huy) xuống tận nơi để điều tra. Liệu các án mạng này có liên quan đến chuyện gia đấu trong phủ quan tri huyện?
Người vợ cuối cùng quy tụ dàn diễn viên cả hai miền Nam – Bắc. Phía miền Nam có Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn, Đinh Ngọc Diệp, Quốc Huy; phía miền Bắc có Quang Thắng, Kim Oanh, Anh Dũng…
Thông qua trailer phim và những trích đoạn hậu trường, có thể thấy đạo diễn Victor Vũ quyết định giữ toàn bộ giọng thật của diễn viên thay vì lồng tiếng.
Lý giải về việc có giọng Nam trong một ngôi làng miền Bắc, Victor Vũ chia sẻ rằng anh “chọn diễn viên chứ không chọn giọng nói”.
Anh cho biết giọng vùng miền là một vấn đề chung của ngành làm phim. Thách thức phải tìm được diễn viên địa phương phù hợp với câu chuyện phim mà vẫn đảm bảo những yếu tố khác như danh tiếng, ngoại hình, khả năng diễn xuất, độ hợp vai… gần như là bất khả thi.
Victor Vũ nói điều anh quan tâm hơn cả là cách diễn viên thổi hồn vào câu chuyện và khiến khán giả tin vào những gì diễn ra trên màn ảnh rộng.
Cổ trang không có nghĩa là phim lịch sử
Là một phim cổ trang, Người vợ cuối cùng được đầu tư để khắc họa khung cảnh làng quê Bắc Bộ và các nét văn hóa Bắc Bộ vào nội dung câu chuyện.
Đó là thông qua tạo hình nhân vật, cách bố trí nhà cửa, phòng ốc, nỗ lực phục dựng hình ảnh đình làng, chợ quê…
Đạo diễn Victor Vũ và đội ngũ mong muốn thiết kế mỹ thuật của phim nằm trong khuôn khổ và dung hòa được nét đẹp của ba vùng miền và vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên Việt Nam.
Nhà sản xuất kiêm diễn viên Đinh Ngọc Diệp lý giải: “Quan điểm của anh Victor và anh cũng chia sẻ cho cả đoàn phim là: Yếu tố cổ trang ở đây không có nghĩa là bộ phim thuần về lịch sử. Mà cổ trang ở đây chỉ là cái nền để kể câu chuyện đa phần là hư cấu.
Tuy cốt truyện nội dung thuộc về miền Bắc nhưng những sáng tạo nghệ thuật, dấu ấn văn hóa trong phim là đa vùng miền”.
Chẳng hạn mợ cả có cách búi tóc của phụ nữ Bắc Kỳ thời xưa, mợ hai lại búi tóc theo kiểu bánh lái của phụ nữ Nam Kỳ, nhưng cả hai đều mặc áo dài ngũ thân thời Nguyễn.
Người vợ cuối cùng ra rạp từ ngày 3/11.