Di tích đền Mẫu ở xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Do đó, việc đền Mẫu được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào cuối năm 2022 là niềm vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quan Lạn nói riêng, huyện Vân Đồn nói chung, góp phần phát huy hiệu quả giá trị di tích, phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân địa phương và du khách.
Đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu, lại được xây dựng ở cửa biển Đông Bắc nên đền còn được gọi là đền Mẫu cửa Đông. Đền Mẫu chính xác được xây dựng từ bao giờ thì đến nay không rõ. Theo các bậc cao niên được nghe ông bà, cha mẹ của các cụ kể lại thì đền Mẫu được xây dựng từ thế kỷ XIII, cùng với thời gian xây dựng đền Trấn Hải. Qua khảo sát các tư liệu, hiện vật còn lưu giữ tại đền cũng như căn cứ vào sắc phong năm Thành Thái thứ nhất 1889, thì ít nhất ngôi đền cũng được xây dựng từ thế kỷ XV-XVI, muộn nhất là vào thế kỷ XIX.
Đền thờ Mẫu nằm ở thôn Yến Hải, thờ Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Liễu Hạnh). Do là một địa phương bốn bề là rừng núi và sông biển mênh mông nên một thời gian sau, ngoài thờ Mẫu Thượng Thiên, dân làng thôn Yến Hải thờ cả Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Phủ. Hiện đền Mẫu còn giữ được một đạo sắc phong gốc do vua ban tặng cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh năm Thành Thái thứ nhất. Đền Mẫu còn là nơi tôn thờ, gửi gắm tình cảm, tín ngưỡng thờ mẫu của dân tộc Việt Nam.
Đền Mẫu ra đời trong quá trình người dân Quan Lạn gắn bó cùng nhau lao động sản xuất, là biểu tượng của khối đoàn kết toàn dân, của tình yêu quê hương đất nước, sự cần cù trong lao động, trong đấu tranh với thiên nhiên để từng bước cải tạo đất đai và mở mang bờ cõi quê hương.
Khởi dựng, đền chỉ là một am thờ nhỏ, tường ghép bằng nứa, mái lợp cỏ, đến thời Nguyễn đền được xây dựng lại bằng gỗ, tường và nền đắp đất. Trong kháng chiến chống Pháp, đền Mẫu bị tàn phá. Sau năm 1954, đền được xây dựng lại bằng gạch, mái lợp ngói âm dương. Năm 1968, máy bay Mỹ ném bom, toàn bộ tiền đường của đền bị phá hủy, chỉ còn lại hậu cung với diện tích khoảng 8m2. Phần đất này tọa lạc trên một doi đất cao (nhân dân địa phương thường gọi là doi đền Mẫu) bốn xung quanh là biển, đền quay hướng Nam ghé Tây.
Năm 2010, với nguồn vốn công đức của những người con Yến Hải, đền được khôi phục lại với tổng diện tích 1.900m2. Năm 2021, bằng nguồn vốn công đức của các tập thể và cá nhân trong tỉnh, đền được xây dựng lại như hiện nay. Đền hiện tại có tổng diện tích khuôn viên là 5.617,88m2, với các hạng mục: Đền chính, lầu hóa vàng, nhà khách, nhà sắp lễ được tôn tạo trên khuôn viên của đền cũ, hướng Nam ghé Tây. Mỗi mặt cuốn thư ở đền đều đắp nổi dòng chữ Hán màu đen “Đông Hải linh từ” (đền thiêng cửa biển Đông). Phía trước bên phải đền (gần tường bao) dựng một tượng Quan Âm quá hải bạch y.
Ngoài những di vật thờ tự, một đạo sắc phong gốc, đền còn 9 cổ vật gồm 1 bát hương đồng, 1 chuông đồng, 3 bát hương sứ, 1 bình vôi gốm, 2 chân đèn nến gốm và 1 bình đất nung. Số lượng cổ vật không nhiều nhưng cũng rất đáng được quan tâm lưu ý vì được tạo tác khá đẹp, chân thực, góp phần khẳng định những nét riêng có, tiêu biểu cho giá trị kỹ thuật, mỹ thuật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu, hàng năm tại đền, lễ giỗ Đức Thánh Mẫu được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của nhân dân thôn Yến Hải và xã Quan Lạn hướng về cội nguồn dân tộc, đồng thời nhắc nhở cháu con thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc ghi ơn đức của các bậc tiền nhân.
Từ năm 1959 trở về trước, hàng năm ngoài lễ giỗ Mẫu, tại đền Mẫu nhân dân thôn Yến Hải còn tổ chức lễ hội đua thuyền (hội bơi thuyền) sau lễ hội bơi thuyền Quan Lạn khoảng 2 tháng. Nội dung và hình thức hội đua thuyền này cũng giống hội đua thuyền đình Quan Lạn, nhưng quy mô nhỏ hơn, chỉ trong phạm vi của thôn. Cuộc đua là một vòng tròn khép kín khoảng 1.600m, điểm xuất phát từ đền Mẫu, đến đền Trấn Hải, sau đó quay trở lại đền Mẫu và trao nhận giải tại đó.
Trong hội đua, dân trong thôn là những thanh niên trai tráng chia làm hai giáp “Giáp Vạn Giữa” và “Giáp Vạn Ngoài”. Mỗi giáp bố trí một thuyền, mỗi thuyền có một ông tướng chỉ huy, có từ 15 đến 19 quân, lấy lời rao ở hội đình Quan Lạn. Sau đó, quân hai bên cõng hai ông tướng xuống thuyền, bắt đầu cuộc đua. Thuyền được trang trí đẹp.
Ông tướng đứng trước mũi thuyền, tay cầm cờ chỉ huy. Tiếng trống liên hồi thôi thúc, các tay đua cố sức vượt lên tiến đến đền Trấn Hải, khi tới nơi họ dừng lại nghỉ ngơi ít phút, sau đó lại tiếp tục quay lại bơi về đền Mẫu. Giáp nào về đến đích trước sẽ được nhận giải. Từ năm 1960 trở đi, do nhiều lý do khách quan, lễ hội đua thuyền đền Mẫu bị mai một và đến nay vẫn chưa được khôi phục.