Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng phản hồi những tranh cãi xung quanh phục trang nhân vật, bối cảnh văn hóa trong phim “Đất rừng phương Nam”.
Tranh cãi bối cảnh, phục trang “không thuần Việt”
Phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đang nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Trong trailer phim và poster quảng bá, khán giả nhận xét chiếc áo bà ba mà nhân vật bác Ba Phi (Trấn Thành thủ vai) có thiết kế không giống áo bà ba truyền thống.
Bên cạnh đó, tác phong các nhân vật, màu sắc của phim cũng bị nhận xét là gợi liên tưởng đến phim Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc… chứ không mang không khí vùng quê Nam bộ.
MV Bài ca đất phương Nam (nhạc phim) vừa được tung ra cũng trở thành đề tài gây tranh cãi. Trong MV, NSƯT Trọng Phúc biểu diễn cùng hơn 300 người của nhóm hợp xướng, ca đoàn. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của dàn diễn viên: Trấn Thành, Tiến Luật, Tuấn Trần, Mai Tài Phến… .
Một số bình luận khen ngợi không khí xúc động trong MV, số khác nhận xét trang phục các diễn viên không ra chất người dân Nam bộ, đặc biệt là quần áo của Trấn Thành và cách đeo khăn rằn của các diễn viên.
Từ những chi tiết này, khán giả dấy lên tranh cãi về việc Đất rừng phương Nam phiên bản điện ảnh “đánh mất chất Nam bộ truyền thống”, “không theo sát văn hóa bản địa, lịch sử”…
Khán giả nêu ý kiến: “Bản truyền hình ngày xưa phục trang đơn sơ mà có hồn Việt. Bản này thì không”, “Tại sao Trấn Thành mặc trang phục cách tân như vậy? Không giống chất miền Nam của bác Ba Phi bản truyền hình”…
Một dân mạng đặt câu hỏi: “Nông thôn miền Tây vốn dĩ chân chất mộc mạc, từ trong sinh hoạt đến trong sự đấu tranh cho quê hương nhưng trong MV của một bộ phim làm lại từ tác phẩm kinh điển về miền Tây lại có những diễn viên mặc trang phục không sát lịch sử?”.
“Phim không phải sách giáo khoa, không phải tư liệu”
Tại buổi ra mắt Đất rừng phương Nam chiều 11/10, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thẳng thắn phản hồi với phóng viên về những tranh cãi trên.
Với trang phục trong MV Bài ca phương Nam, đạo diễn nói: “Đúng là có những tranh cãi nhưng MV Bài ca phương Nam chỉ là một bài hát, không phải phim. Các diễn viên đến ghi hình, tự thoại, tự hát bài hát.
Nếu trang phục, tạo hình diễn viên cũng giống trong phim nữa thì khá chán. Trấn Thành chọn một cái áo đẹp để quay thôi. Cách đeo khăn rằn cũng chỉ là một yếu tố thời trang thôi, đâu có sao?”.
Liên quan đến những ý kiến cho rằng Đất rừng phương Nam không thuần Việt và đan cài nhiều chi tiết văn hóa Trung Quốc, đạo diễn cho hay: “Trong phim, các bạn sẽ thấy phim có yếu tố người Hoa. Miền Tây, với tôi là vùng đất du nhập nhiều người, có cộng đồng người Hoa, người Tiều. Đó là đặc trưng của miền đất, nơi chào đón nhiều vùng miền”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giải thích thêm: “Về chi tiết tiếng Hoa trên bảng hiệu, thực ra tôi cũng đã xem nhiều ảnh tư liệu về thời kỳ lịch sử thực tế. Lưu ý rằng phim này đã thay đổi bối cảnh, mốc thời gian so với bản tiểu thuyết.
Bản tiểu thuyết lấy bối cảnh khoảng năm 1945. Còn chúng tôi giữ tinh thần của bản truyền hình, lấy mốc thời gian trước năm 1930. Từ đó, hành trình của bé An đi qua nhiều môi trường, gặp gỡ nhiều cộng đồng văn hóa, tiếp xúc mâu thuẫn nhiều hội nhóm. Quan trọng là phim mang thông điệp về tình cảm con người. Đó là trong mỗi con người Việt Nam, ai cũng yêu nước, nhưng theo những cách khác nhau”.
Trước tranh cãi nhân vật bác Ba Phi trong phim mặc trang phục không giống áo bà ba truyền thống, Nguyễn Quang Dũng nói: “Phim không phải sách giáo khoa, không mang nhiệm vụ là tư liệu lịch sử.
Bản thân tôi cũng tìm hiểu nhiều tài liệu, gặp nhiều người, có người nói thế này, có người nói thế khác. Có những chi tiết làm chưa tới, nhưng nói chung chúng tôi làm những điều phù hợp với khả năng của đoàn phim.
Tôi không đổ thừa, nhưng với tôi, ê-kíp phim đã làm hết sức những gì có thể. Có thể có những sơ suất nhưng thật ra thế giới cũng vậy, không có phim nào ra mắt mà các nhà nghiên cứu lịch sử vỗ tay nói phim này y chang lịch sử”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh phim cần mang lại thông điệp ý nghĩa, cảm xúc cho khán giả. Các yếu tố về bối cảnh, phục trang sẽ giúp khán giả hiểu thêm phần nào câu chuyện, còn giao hết trách nhiệm đó cho đoàn phim thì “rất khó”.
Chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí, diễn viên Mai Tài Phến – người đóng vai Võ Tòng – cũng phản hồi về những tranh cãi xung quanh phục trang của phim và trong MV Bài ca phương Nam.
Anh bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ khán giả có vẻ hơi khắt khe với ê-kíp. Như trong MV, đạo diễn muốn một số diễn viên mặc trang phục nhân vật, số khác trong phim phải hóa trang nhiều, như vai Võ Tòng của tôi, thì không thể nào đưa nguyên tạo hình đó vào MV.
Mọi người chỉ diễn với mục đích đóng góp tinh thần, sinh khí cho video ca nhạc. Hy vọng mọi người yêu thương, đón nhận bản điện ảnh này”.