Giải quyết kiến nghị cử tri là nhiệm vụ quan trọng, luôn được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quán triệt, tập trung chỉ đạo giải quyết nghiêm túc, có hiệu quả, thực chất.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động khảo sát, nắm tình hình thực tế, tích cực trao đổi, phối hợp để giải quyết theo chức năng, thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế về tiếp nhận, giải quyết kiến nghị cử tri; định kỳ hàng tháng họp kiểm điểm tiến độ, tình hình giải quyết. Các đơn vị, địa phương luôn nắm bắt ý kiến, kiến nghị để giải quyết triệt để ngay từ cơ sở; luôn xem việc trả lời ý kiến cử tri là việc làm thường xuyên, không chỉ tập trung vào các kỳ họp HĐND tỉnh.
Nhiều kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương đã được quan tâm giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, tạo đồng thuận trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối với nội dung kiến nghị của cử tri chưa thể giải quyết dứt điểm ngay đã được UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ để giải trình, thông tin tới các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh và cử tri hoặc xác định thời gian cụ thể để các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung giải quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng một số sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt, sâu sát nội dung cử tri kiến nghị; chưa đi đến cùng vấn đề để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ hoặc đề xuất giải pháp để cấp có thẩm quyền chỉ đạo; còn lúng túng, thiếu sự phối hợp trong giải quyết. Nguyên nhân dẫn đến chưa giải quyết dứt điểm kiến nghị liên quan đến đầu tư chủ yếu do cần phải có nguồn lực, bố trí vốn mới triển khai thực hiện được, trong khi nguồn lực từ ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu; một số kiến nghị chưa thể giải quyết ngay được vì đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét hoặc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần có sự phối hợp và triển khai thực hiện lâu dài…
Tính đến tháng 7/2023, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị vào cuộc tập trung giải quyết xong 36/47 kiến nghị cử tri nêu tại Nghị quyết 141/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh và báo cáo số 194/BC-HĐND ngày 15/12/2022 của Thường trực HĐND tỉnh.
Nhằm tiếp tục đảm bảo hiệu quả, thực chất hơn nữa trong giải quyết kiến nghị cử tri, sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 205/KH-UBND ngày 14/8/2023, theo đó, phân công cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm đối với các sở, ban, ngành, UBND các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan để tập trung chỉ đạo, giải quyết 76 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp và các kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm trong các kỳ họp trước của HĐND tỉnh tại Nghị quyết 158/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 (12 kiến nghị tại Nghị quyết số 158/NQ-HĐNĐ; 64 kiến nghị cử tri tại báo cáo 92/BC-HĐND ngày 19/7/2023 của Thường trực HĐND tỉnh).
Tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các quy định, văn bản, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; quy định, quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy; quy trình giải quyết, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp trong việc giải quyết kiến nghị cử tri; lấy kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm giải quyết.
Căn cứ nhiệm vụ được phân công, tỉnh yêu cầu cơ quan được giao chủ trì giải quyết kiến nghị của cử tri chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để rà soát, kiểm tra thực tế, xác định rõ lộ trình để giải quyết dứt điểm các nội dung kiến nghị, đảm bảo tiến độ, thời gian yêu cầu. Trong đó, đối với 12 kiến nghị đang được xem xét, giải quyết nhưng chưa hoàn thành được nêu trong báo cáo 76/BC-HĐND ngày 3/7/2023 của Thường trực HĐND tỉnh và Nghị quyết số 141/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải xác định giải pháp và lộ trình cụ thể để giải quyết dứt điểm trước 30/10/2023.
Đối với 64 kiến nghị mới phát sinh gửi tới kỳ họp 14 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2023) của HĐND tỉnh tại báo cáo số 92/BC-HĐND ngày 19/7/2023, trong đó có kiến nghị của cử tri là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cần tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhất là những khó khăn, bất cập về điện sản xuất kinh doanh, công tác phòng cháy chữa cháy, về hỗ trợ vốn sản xuất… nhằm phục hồi sản xuất, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu tỷ lệ giải quyết, trả lời xong kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 14 của HĐND tỉnh khóa XIV đạt trên 80% tổng số các kiến nghị.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên phối hợp với các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh để nắm bắt được nội dung thông tin kiến nghị của cử tri; đồng thời thông tin tới cử tri về tiến độ, kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, tạo sự đồng thuận của cử tri, nhân dân. Trường hợp chậm giải quyết đối với các kiến nghị của cử tri phải tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong việc chậm xem xét giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.