Những năm gần đây, hạ tầng nông thôn, hạ tầng sản xuất nông nghiệp của Quảng Ninh ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ. Các chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch của tỉnh đã trở thành trợ lực thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Các sản phẩm đông trùng hạ thảo dạng nguyên liệu, hoặc dạng tinh chế của Cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ (phường Bắc Sơn, TP Uông Bí) được hình thành trên diện tích không lớn, chỉ vài chục m2. Tuy nhiên, với quy trình sản xuất trong môi trường nhà lạnh vô trùng, hệ thống làm mát, làm ẩm, thu nước, thu ẩm, tăng hạ nhiệt đều hiện đại, tự động theo chế độ cài đặt sẵn, hoặc cảm ứng, phù hợp với quy trình sản xuất, cũng như sự phát triển của đông trùng hạ thảo. Sản phẩm đang được đánh giá cao, chất lượng tốt.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ sau khi thu hoạch, được tự động chọn lọc, phân loại, sấy khô bằng thiết bị sấy thăng hoa, đảm bảo giữ nguyên 99% hình dáng, màu sắc, mùi vị, đặc biệt là đảm bảo đến 100% tinh chất. Đông trùng hạ thảo sấy khô đã được coi là sản phẩm thương mại, có thể đưa ra thị trường để người tiêu dùng sử dụng luôn, hoặc có thể trở thành nguyên liệu để kết hợp với các nguyên liệu khác, chế biến thành những sản phẩm tinh chế.
Hiện Cơ sở Phương Thuỳ đang có gần 20 loại sản phẩm được chế biến từ đông trùng hạ thảo, trong đó đa số đều nằm trong danh mục sản phẩm OCOP, 5 sản phẩm đạt 3-4 sao, được người tiêu dùng tin tưởng, nhiều sản phẩm được các đơn vị y tế, đơn vị ngành than đặt hàng với số lượng lớn.
Đối với các sản phẩm gạo đồng rươi của HTX Đặc sản đồng rươi Đông Triều (TX Đông Triều), hàm lượng khoa học công nghệ ở đây chính là việc tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ nghiêm ngặt. Gạo đồng rươi được hình thành ở những cánh đồng ven sông, cũng là môi trường để con rươi sinh sống và phát triển. Ở những chân ruộng này, con nước lên xuống mỗi ngày không chỉ làm sạch mầm bệnh sâu hại bám trên cây, mà còn vun bồi vào đất lượng phù sa lớn, lượng khoáng hữu cơ cao. Quá trình gieo cấy, chăm sóc, gặt hái lúa trên ruộng rươi hoàn toàn dựa theo tự nhiên, người dân không sử dụng bất cứ loại phân, thuốc bảo vệ thực vật gốc hoá học nào.
Lúa ruộng rươi sau khi thu hoạch được tuốt, xay xát ngay, được đưa vào lò sấy rồi hút ẩm, hút chân không, đóng gói và xuất xưởng đến tay người tiêu dùng. Quy trình này cho phép gạo giữ được chất lượng cao nhất, đặc biệt là quá trình sấy khô bằng máy đã khắc phục hoàn toàn việc bị phụ thuộc vào lượng nhiệt thiếu ổn định như khi phơi sấy ngoài trời, cùng với đó việc hút ẩm, hút chân không, đóng gói cũng cho phép không cần bất cứ chất chống mối mọt, tạo mầu, tạo mùi nào…
Từ quy trình sản xuất, chế biến hiện đại, xanh, sạch như trên, gạo đồng rươi của HTX Đặc sản đồng rươi Đông Triều đạt chất lượng cao, thơm nhẹ, ngọt nhẹ, nhiều cám và đậm vị, rất khác biệt so với các loại gạo khác trên thị trường. Hiện nay HTX Đặc sản đồng rươi Đông Triều đang có các chủng loại gạo rươi Bắc Thơm, gạo rươi lứt Hồng Hương, gạo rươi lứt đỏ, gạo rươi nếp cái hoa vàng, gạo lứt Ngọc Hương, trà, cốm gạo lứt Ngọc Hương và Hồng Hương… Sản lượng sản xuất hằng năm đạt khoảng 200 tấn, tuy nhiên hiện cung không đủ cầu.
Cùng với đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ, gạo đồng rươi Đông Triều, nông dân Quảng Ninh đang làm chủ hàng trăm nông sản khác, trong đó hơn 500 nông sản nằm trong danh mục sản phẩm OCOP. Mỗi nông sản như vậy đều hàm chứa hàm lượng khoa học kỹ thuật nhất định.
Có thể kể đến các mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại trên toàn tỉnh hiện nay, như: Vườn rau không đất (thuỷ canh), trang trại di động, thuỷ canh lưu hồi, cây trồng hữu cơ trong nhà lưới, NTTS trên cạn, nuôi tôm trong nhà, tiêu thụ nông sản online… Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, như: Công nghệ tưới tiêu tự động, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ chọn lọc giống trên đàn gia cầm, trên cây hoa lan, gieo mạ trên khay, cấy lúa bằng máy…
Qua rà soát mới nhất, hiện toàn tỉnh đang có 7.000 máy làm đất, 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát, 700 máy gieo sạ… Tỷ lệ cơ giới hoá trong nông nghiệp đã được thực hiện ở các khâu sản xuất, thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.