Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) Việt Nam đến năm 2030” đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện… Xác định du khách Hồi giáo nói chung và Ấn Độ nói riêng là thị trường tiềm năng, ngành Du lịch Quảng Ninh đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón dòng khách đặc biệt này.
Tháng 8/2023, Quảng Ninh đón đoàn 32 khách du lịch Ấn Độ và khách Halal. Đoàn đã ở Hạ Long 2 ngày, tham quan Vịnh Hạ Long và mua sắm, trải nghiệm ẩm thực địa phương… Đoàn nghỉ tại khách sạn 5 sao Delasea Hạ Long, một trong những khách sạn có sự chuẩn bị chu đáo dành riêng cho thị trường khách Ấn Độ và khách Halal. Theo ông Lê Thanh Tam, Giám đốc Điều hành Khách sạn Delasea, khách sạn đã bố trí khu vực được thiết kế chuyên biệt theo nhu cầu của khách Halal. Cơ sở vật chất, dịch vụ buồng phòng đáp ứng yêu cầu về văn hóa tín ngưỡng của dòng khách này. Đặc trưng trong ẩm thực cũng được chú trọng với sự tư vấn kỹ lưỡng của các chuyên gia chuyên phục vụ dòng khách Halal.
Hiện nay các thị trường truyền thống như Châu Âu, Nga và Trung Quốc còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như: Khủng hoảng kinh tế, bệnh dịch… Vì vậy, ngành Du lịch Quảng Ninh hướng đến các giải pháp tìm kiếm thị trường mới. Trong đó, Ấn Độ và dòng khách Halal là một trong những thị trường khách quốc tế lớn nhất của Quảng Ninh kể từ khi phục hồi sau đại dịch. Đó là kết quả của sự nỗ lực, chủ động của tỉnh trong việc tiếp cận, khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Ông Surinder Kumar Gupta, (du khách Ấn Độ) cho biết: Chuyến đi lần này rất tuyệt vời. Hạ Long, Việt Nam luôn là điểm đến được du khách Ấn Độ chúng tôi ưu tiên lựa chọn. Không chỉ có thiên nhiên tuyệt đẹp, chúng tôi còn được các bạn chào đón rất nồng nhiệt. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với sự phát triển của Hạ Long. Giao thông đi lại nhanh chóng, tiện lợi, các dịch vụ được chuẩn bị chu đáo, giúp chúng tôi cho những trải nghiệm ấn tượng, đáng nhớ.
Qua phân tích xu hướng và đánh giá thị trường ngành du lịch quốc tế, các chuyên gia nhận định thị trường khách du lịch Ấn Độ và Hồi giáo đang rất khả quan. Tính riêng số dân theo Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người. Mỗi năm, lượng tiền họ chi cho du lịch, mua sắm… ước tính khoảng 10.000 tỷ USD. Làm thế nào để “hút” dòng tiền này chảy vào các dịch vụ du lịch ở Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng là định hướng mà các nhà hoạch định, kinh doanh du lịch quan tâm.
Từ năm 2022, Việt Nam đã tiến hành những cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch Trung Đông. Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030″… Từ đó, thúc đẩy sản xuất, phát triển các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo và thu hút dòng khách du lịch kết hợp với hợp tác đầu tư, tìm kiếm cơ hội làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam, xuất khẩu tại chỗ bằng khai thác du lịch… Dự báo năm 2024 sẽ bùng nổ về du lịch và công nghiệp Halal.
Ông Trần Văn Tân Cương, đại diện Công ty TNHH Halal Quốc gia Việt Nam, cho biết: Du lịch Halal là xu hướng du lịch đang được nhiều quốc gia quan tâm. Dòng khách Hồi giáo là dòng khách cao cấp nhất đến từ Trung Đông, thuộc khối các nước APEC, thường có xu hướng đi du lịch nhóm, đưa theo gia đình nhiều thế hệ. Họ lựa chọn sử dụng các dịch vụ cao cấp, như: Du thuyền, khách sạn 5 sao trở lên, yêu cầu phục vụ cá nhân đặc biệt cao và chuẩn chỉ, chi tiết. Họ cũng đòi hỏi không gian riêng tư, phục vụ riêng tập trung nhóm cá nhân, có lưu ý đặc biệt đến yếu tố văn hóa phong tục và tôn giáo. Vì vậy, các điểm đến, cơ sở lưu trú hay nhà hàng phải bố trí không gian đón tiếp riêng, bố trí phù hợp với nhu cầu ăn uống, thói quen sinh hoạt tôn giáo chặt chẽ, tôn trọng nghi thức tín ngưỡng khác biệt…
Từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh đón 875.000 lượt khách quốc tế. Trong đó, thị trường khách Ấn Độ có tăng trưởng ấn tượng, nằm trong tốp đầu các thị trường khách lớn của Quảng Ninh. Quảng Ninh vẫn đang là một trong những điểm đến tại Việt Nam được du khách Ấn Độ quan tâm tìm kiếm nhiều nhất.
Ông Shammi Singh Thakur, đại diện hãng lữ hành Travel Seasons (Ấn Độ) cho biết: Quảng Ninh là tỉnh tiên phong của miền Bắc đón đầu xu hướng du lịch Ấn Độ và du khách Halal. Hiện đang có nhiều đơn vị du lịch của Quảng Ninh quan tâm tiếp cận dịch vụ du lịch dành cho khách Halal giúp chúng tôi có thêm nhiều lựa chọn để giới thiệu đến du khách. Từ đó, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hàng đầu tại Việt Nam đối với dòng khách này.
Để thu hút khách du lịch Halal, ngành Du lịch Quảng Ninh đang điều chỉnh, dịch chuyển dần về cơ sở vật chất hạ tầng cần thiết và chuyển đổi xu hướng khai thác kinh doanh, từ đó xây dựng các cơ sở du lịch, điểm đến thân thiện với người Hồi giáo.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Thời gian tới, Sở tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành của Ấn Độ với các doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh tổ chức, tham gia các sự kiện kích cầu, hội thảo giới thiệu điểm đến Quảng Ninh bằng nhiều hình thức như trực tiếp và trực tuyến; quảng bá cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đa dạng của dòng khách Ấn Độ… Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn nhân lực du lịch, bồi dưỡng kiến thức về những phong tục, tập quán của khách Ấn Độ và Hồi giáo; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm phục vụ dòng khách Ấn Độ, Hồi giáo nói riêng và quốc tế nói chung.