Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy có cải thiện trong quý III, nhiều doanh nghiệp nói, việc làm ăn thực tế vẫn khắc nghiệt, phải cầm cự chờ đến 2024.
Lãnh đạo một doanh nghiệp gỗ ở Đồng Nai kể, đơn hàng hiện nay đã có thể “nhìn từ đầu tháng đến cuối tháng” thay vì ăn đong từng tuần như trước. Doanh nghiệp này chuyên làm hàng xuất khẩu cho các thị trường Mỹ, châu Âu, Australia. Nhờ gần đến dịp lễ cuối năm, doanh nghiệp có thêm đơn hàng, dù giá trị từng đơn giảm.
“Nhưng đấy chỉ là ngôi sao hy vọng trước đêm giáng sinh, còn thực tế mùa đông vẫn rất lạnh, thị trường đang đóng băng”, người này nói và đánh giá, mọi thay đổi sẽ trở về như cũ sau mùa lễ hội.
Kể từ khi Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp này đã duy trì hiện trạng sản xuất với nhân công giảm một nửa. Nhà máy sản xuất cầm chừng, chỉ khoảng 40-50% năng suất, tuỳ theo thời điểm.
“Tôi không nghĩ việc làm ăn có thể phục hồi sớm vì nhu cầu thế giới đang giảm chung. Điều này thể hiện rõ khi tôi dự hội chợ triển lãm ở các nước, quy mô đều thu hẹp”, người này nói.
Đại diện cho khoảng 16.000 doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), chia sẻ tình hình chưa có nhiều sáng sủa ở hầu hết ngành.
“Đơn hàng sản xuất, sức tiêu thụ của thị trường, đặc biệt tại TP HCM vẫn ở mức độ rất thấp, người dân siết chặt chi tiêu. Một số ngành nghề có khả quan đôi chút nhưng hiệu quả vẫn thấp”, ông nói.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, cũng đồng tình khi nói rằng sự phục hồi không đạt kỳ vọng. Chỉ một số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhẹ, đồ gia dụng thiết yếu, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm, tài chính trên địa bàn hoạt động tốt.
Đại diện các hiệp hội cho biết, đa phần doanh nghiệp vẫn trong trạng thái cầm cự khi lực kéo sụt giảm không còn mạnh như hai quý đầu năm. Tuy nhiên, họ phải đối diện với khó khăn lớn từ sức cầu thấp cả trong và ngoài nước. Điều này khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, vay vốn làm ăn, bất chấp nhiều chính sách ưu đãi tín dụng từ ngân hàng. Nhưng ở chiều ngược lại, sự bất định kinh tế cũng làm cho các ngân hàng thận trọng, dẫn đến một số doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay.
Tương tự các doanh nghiệp nội địa, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tỏ ra thận trọng trong giai đoạn này. Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quý III dù tăng nhẹ từ mức 43,5 lên 45,1 điểm, vẫn dưới ngưỡng trung bình, tức 50 điểm. Kỳ vọng về doanh thu hoặc đơn hàng của các doanh nghiệp châu Âu cũng không có sự điều chỉnh so với quý trước. Ngoài ra, chỉ 22% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng vào quý IV, 16% dự báo tăng đầu tư.
“Tôi và các đối tác đang hy vọng lúc này đã là điểm đáy để mọi thứ tốt lên vào năm sau. Mong là sẽ có một chu kỳ mới vào năm 2024 khi thị trường nhà đất ấm lại”, ông Kỳ cho biết. Doanh nghiệp vẫn đang có một số đơn hàng mới trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản “nhúc nhắc” quay trở lại.
Kinh doanh lĩnh vực du lịch, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, nói những chính sách mới về du lịch, cụ thể như nới visa, cũng có thể mang lại nhiều kỳ vọng cho năm 2024.
“Đã có sự phục hồi tùy theo từng thị trường, tổng chung đã đạt được 80% so với thời điểm trước dịch. Chúng tôi phải chờ đến 2024 mới mong quay lại được mức ban đầu”, ông Hà nói.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, du lịch Việt Nam đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các nước trong khu vực, tiêu biểu là Thái Lan. “Họ phục hồi nhanh hơn dù mở của sau, chính sách rất linh hoạt. Họ biết chính xác khách muốn gì và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó”, ông nói thêm.
Dù vậy, tính bất định cũng khiến một số doanh nghiệp lo ngại về một mức đáy khác vào năm sau, trước khi thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn chung.
Ông Mạc Quốc Anh nói có thể xảy ra một khủng hoảng nữa rơi vào cuối quý II/2024. “Vẫn có thể có một đáy khác vì những xung đột, rủi ro tiềm tàng trên thị trường toàn cầu”, ông cho biết.
Tương tự, lãnh đạo doanh nghiệp gỗ tại Đồng Nai nhìn nhận, kinh tế mới đi được nửa của biểu đồ hình chữ W, tức còn một lần trượt dốc trong năm sau.
“Chỉ có một số doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính để bù đắp cho những khoản lỗ, nuôi đội ngũ vận hành. Khách hàng của họ cũng có sức lực tương tự”, người này cho biết. Chính vì thế, các doanh nghiệp, dù ở ngưỡng nào, cũng phải cẩn trọng nhìn về những ngày tháng tương lai.