Tình trạng liên kết yếu và chưa chặt chẽ thể hiện qua tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp trong nước vẫn còn thấp.
Tỷ lệ nội địa hoá chưa cao
Theo Bộ Công Thương, vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam nằm ở việc nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI. Đơn cử, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện – điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu thực trạng, thời gian qua, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ khu vực các doanh nghiệp FDI chứ không phải các doanh nghiệp nội địa; chưa tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của việc kết nối giữa khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp.
“Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá, chất lượng, và tiến độ giao hàng. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị lớn”- Cục Công nghiệp chỉ ra.
Trao đổi với Báo Công Thương, bà Trương Thị Chí Bình – Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, phải nhìn nhận rằng, kết nối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, tình trạng liên kết yếu và chưa chặt chẽ thể hiện qua tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn thấp. Vì vậy, cải thiện hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa là yêu cầu đặt ra để thu hút nhiều hơn nữa nguồn FDI.
Đơn cử như ngành điện tử, được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Thực tế căn bản là tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.
Hay như ngành ô tô là ngành công nghiệp tích hợp nhiều phân ngành như cơ khí chính xác, điện tử, công nghệ vật liệu, đòi hỏi trình độ công nghệ cao… nhưng hầu hết doanh nghiệp nội địa chưa thể đáp ứng được.
Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp, mục tiêu đề ra là 30 – 40% vào năm 2020, 40 – 45% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030 nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%; thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Các doanh nghiệp phải nỗ lực khẳng định thế mạnh
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Việt Nam là nước “đi sau” trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính phủ Việt Nam vẫn luôn trải thảm đỏ và thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, việc yêu cầu các doanh nghiệp FDI nội địa hóa còn khá dè dặt. Do đó, phải có chế tài đủ mạnh để các doanh nghiệp FDI thực hiện được tỷ lệ nội địa hóa, liên doanh với các doanh nghiệp trong nước sản xuất linh kiện, phụ kiện; đưa ra các tiêu chí và biện pháp khuyến khích cũng như chế tài xử phạt những doanh nghiệp FDI không thực hiện đúng cam kết về tỷ lệ nội địa hóa. Chính phủ và các ban, bộ ngành liên quan cần tiếp tục quyết liệt và quyết liệt hơn nữa trong việc “thúc ép” các doanh nghiệp FDI cam kết nội địa hóa. Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để giữ chân dòng vốn FDI.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp kết nối với các tập đoàn đa quốc gia để tìm kiếm cơ hội tham gia chuỗi cung cấp cho các tập đoàn này tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài; triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.
Đồng thời, triển khai xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật (trên cơ sở tham khảo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nói riêng để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị, đáp ứng yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các ngành dự kiến được xác định trọng điểm sẽ là công nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho các ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp cơ khí; công nghiệp điện tử; công nghiệp thực phẩm, sinh học…
Bà Trương Thị Chí Bình cũng nêu giải pháp, về lâu dài, đối với các lĩnh vực trong ngành công nghiệp, yếu tố quan trọng nhất chính là sự hỗ trợ và tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư. Đầu tư các dự án cơ khí yêu cầu vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp vì vậy rất khó thu hút nhà đầu tư. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các dự án sản xuất cơ khí chế tạo áp dụng công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chính vì vậy, để tiếp tục tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp trong nước phát triển, bên cạnh sự nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất của mỗi doanh nghiệp thì hệ thống cơ chế chính sách về công nghiệp hỗ trợ cần được hoàn thiện và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Tôi cho rằng có như vậy công nghiệp hỗ trợ mới có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và phát triển bền vững.