Hội Nông dân (HND) các cấp đã và đang đồng hành cùng bà con hội viên, nông dân trong việc trồng và chăm sóc rừng vụ xuân, nhằm phục hồi diện tích rừng đã bị thiệt hại sau bão số 3 gây ra, nỗ lực để rừng mãi thêm xanh.
Rừng rồi sẽ lên xanh
Ba Chẽ là một trong những địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại lớn trong cơn bão số 3 năm 2024. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại của địa phương lên đến hơn 13.800ha với hơn 2.400 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Để khôi phục diện tích rừng trồng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các xã tăng cường thông tin, tuyên truyền tới người dân, chủ động thực hiện việc dọn dẹp diện tích rừng bị hư hỏng, chuẩn bị các điều kiện về hiện trường để trồng rừng vụ xuân, sớm khôi phục sản xuất lâm nghiệp.
Tranh thủ những ngày sau Tết có mưa xuân, gia đình ông Lý Ngọc Sơn (thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) đã trồng lại 3ha đồi keo bị thiệt hại do bão từ năm 2024. Trước đây, trên diện tích này lứa keo đã được 2 năm tuổi, nhưng do cơn bão số 3, toàn bộ số keo đã bị gãy đổ. Từ trong năm, gia đình ông đã tận thu, dọn dẹp thực bì, chuẩn bị hiện trường để trồng lại lứa keo mới với mong muốn sớm khôi phục diện tích keo đã mất. Ông Sơn cho biết: Những ngày này, thời tiết tốt, đất ẩm, rất thích hợp để trồng cây. Từ mùng 6 Tết, gia đình tôi đã mua hơn 1 vạn cây keo giống về để trồng thay thế cho lứa keo trước. Hy vọng thời tiết sẽ thuận lợi, cây sinh trưởng tốt.
Cùng với việc khôi phục diện tích rừng bị thiệt hại, ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều hộ hội viên, nông dân cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi, tiến hành tỉa cành, làm cỏ, vun gốc, bón phân cho những đồi keo hiện có. Gia đình anh Đặng Văn Hà (thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) hiện đang có gần 10ha trồng keo 2-5 năm tuổi. Nhiều năm qua, cây keo đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình anh Hà. Ngay từ mùng 5 Tết, gia đình anh đã tập trung lực lượng, thực hiện tỉa cành, chăm sóc cho các đồi keo của mình.
Anh Hà cho biết: Năm 2024, bão số 3 đã làm thiệt hại đến 2/3 diện tích rừng trồng keo của gia đình. Sau bão, gia đình tôi đã tiến hành thu dọn, tận thu những cây gãy đổ. Những diện tích bị thiệt hại nhẹ, gia đình cũng đang tiếp tục cắt tỉa cành, xới cỏ, bón phân để cây tiếp tục phát triển.
Không chỉ riêng ở Ba Chẽ, tại nhiều địa phương, các hộ nông dân trồng rừng cũng đang hối hả bắt tay vào vụ trồng rừng mới, nhanh chóng tái sinh rừng sau bão. Chỉ còn vài năm nữa, khoảng 8ha keo của gia đình bà Trương Thị Mùi (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) sẽ được thu hoạch. Thế nhưng, thiên tai bão dữ đã làm cho hàng vạn cây keo bị gãy đổ, thiệt hại nặng nề. Tiếp tục bám rừng, vượt lên trên khó khăn, bà Mùi cũng như nhiều hộ dân sinh sống từ trồng rừng đã nhanh chóng dọn dẹp, chuẩn bị mặt bằng, cây giống, phân bón, bắt tay vào vụ sản xuất mới ngay sau Tết Nguyên đán. Bà Mùi cho biết: Tôi mong những cây giống này sẽ lên tốt, nhanh chóng phủ xanh lại diện tích rừng bị thiệt hại trong năm 2024.
Cùng hội viên, nông dân tái thiết sản xuất lâm nghiệp
Đồng hành cùng với chính quyền và hộ dân trồng rừng, HND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp HND tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về ý nghĩa trồng cây xanh, trồng rừng, bảo vệ tài nguyên. Đồng thời tham gia với các ngành chức năng của địa phương tiến hành kiểm kê, rà soát các hộ hội viên, nông dân bị thiệt hại để xây dựng phương án hỗ trợ; phối hợp với chính quyền, đoàn thể tổ chức hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, trong đó, tập trung vào trồng cây rừng gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao như lim, giổi, lát.
Ông Khúc Thanh Nghị, Chủ tịch HND huyện Ba Chẽ cho biết: HND huyện đã tích cực động viên hội viên, nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng mới rừng, thay thế diện tích đất lâm nghiệp bị thiệt hại sau bão. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng mới, đảm bảo các diện tích rừng mới trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với đó, trao đổi, kết nối với các nhà vườn, cơ sở cung cấp cây giống để đáp ứng năng lực cung ứng giống cho người dân trong vụ trồng rừng đầu năm.
Theo ông Nguyễn Văn Đường, Chủ tịch HND tỉnh, các cấp hội sẽ tiếp tục phát động và đưa việc trồng, bảo vệ rừng, cây xanh trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh; duy trì phong trào trồng cây liên tục đến hết năm, đặc biệt là dịp đầu xuân, gắn với khôi phục diện tích rừng trồng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Cùng với đó, gắn việc trồng rừng, trồng cây xanh của cán bộ, hội viên nông dân với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào xây dựng NTM và thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS.
Chủ tịch HND xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn) Phạm Văn Luận: Phấn đấu 100% diện tích đất lâm nghiệp của hội viên, nông dân được trồng mới lại trong năm 2025 Cơn bão số 3 năm 2024 trên địa bàn xã Đài Xuyên có 217 hộ hội viên, nông dân trồng rừng bị thiệt hại, với tổng diện tích khoảng 500ha. Sau khi bão tan, HND xã và các cấp chính quyền, đoàn thể đã vận động bà con nhanh chóng dọn dẹp, tận thu, tiến hành trồng ngay những diện tích rừng đã đủ điều kiện. Cùng với đó, đồng hành cùng bà con kiểm kê thiệt hại, lập danh sách để đề nghị hỗ trợ theo Nghị định 02/20217/NĐ- CP (ngày 9/1/2017) của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Với những hộ dân không thuộc diện hỗ trợ theo quy định này, HND xã cũng đã lập danh sách, đề nghị hỗ trợ theo kênh của MTTQ. Với những hộ đang tiến hành trồng mới, hội đã phổ biến, hướng dẫn bà con có nhu cầu về phân bón đăng ký để được kết nối, cung cấp với giá ưu đãi, giúp bà con nhanh chóng phủ xanh lại diện tích rừng bị thiệt hại. Đến thời điểm này, khoảng 60% diện tích rừng đã được trồng mới, dự kiến đến cuối năm, 100% rừng của hội viên, nông dân trong xã bị thiệt hại do bão số 3 sẽ được trồng lại.
|
Ông Vũ Minh Thường (xã Sơn Dương, TP Hạ Long): Tích cực chuẩn bị mặt bằng, cây giống để trồng lại phần diện tích rừng bị hư hại Gia đình tôi hiện đang có 8ha đất trồng cây lâm nghiệp. Năm 2024, bão số 3 đã khiến cho 4ha keo 3 năm tuổi bị gãy đổ hoàn toàn. Từ trong năm, gia đình tôi đã tiến hành tận thu số keo bị hư hỏng, đốt thực bì, dọn dẹp, chuẩn bị mặt bằng. Sau Tết, gia đình tôi đã kết nối với cơ sở cung cấp cây giống, đặt mua hơn 1,2 vạn cây keo lai và chuẩn bị cuốc hố. Bây giờ chỉ chờ thời tiết thuận lợi hơn, có mưa ẩm, gia đình tôi sẽ tiến hành trồng lại ngay 4ha keo.
|
Chủ tịch HND huyện Bình Liêu Lương Xuân Lồng: Đa dạng kênh vốn vay để tiếp sức cho hội viên, nông dân Sau bão số 3 năm 2024, diện tích rừng trồng của toàn huyện Bình Liêu bị thiệt hại hơn 3.000ha. Nhiều hộ hội viên, nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. HND huyện đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhanh chóng khắc phục thiệt hại, chuẩn bị điều kiện về cây giống, vật tư phân bón, nhân lực để sớm trồng lại rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện để hội viên, nông dân tiếp xúc các nguồn vốn vay và rà soát những hộ có nhu cầu để thẩm định cho vay qua Quỹ Hỗ trợ nông dân với thời gian, mức vay tối đa nhất. Hiện 40-50% hội viên, nông dân trên địa bàn huyện có diện tích rừng bị thiệt hại sau bão đã tiến hành trồng mới lại rừng. Chúng tôi cũng đang tiếp tục vận động các hộ nhanh chóng bố trí nhân lực để triển khai trồng rừng trong vụ xuân năm nay.
|
Chủ tịch HND xã Hải Hòa (TP Cẩm Phả) Hà Văn Lương: Nỗ lực động viên bà con nhanh chóng phục hồi diện tích rừng đã mất Trong tổng số gần 1.500ha đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn xã bị thiệt hại do thiên tai năm 2024 có khoảng 1.000ha là của hội viên, nông dân xã. Hầu hết đây đều là diện tích trồng keo lâu năm có tuổi đời là 2-5 năm. Trong năm 2024, chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con tận thu cây bị gãy đổ, dọn dẹp thực bì. Đồng thời, giới thiệu cơ sở cung ứng giống cây trồng đảm bảo chất lượng để bà con chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Đến nay, đã có khoảng 700ha rừng bị hư hại của hội viên, nông dân được trồng lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhanh chóng trồng lại rừng, khôi phục diện tích đất sản xuất lâm nghiệp của địa phương.
|