Hơn 20 tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi sẽ triển lãm tại điện Kiến Trung (Đại nội Huế), cuối tháng 3.
Sự kiện có tên Trời, non, nước, diễn ra trong hai tuần từ ngày 25/3, đánh dấu lần thứ hai tranh vua Hàm Nghi được trưng bày trong nước. So với lần đầu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tháng 11/2024, triển lãm có quy mô lớn hơn, với hơn 20 bức từ 10 bộ sưu tập tư nhân. Theo nhà tổ chức, chương trình mang tính phi thương mại (không giao dịch tranh), mở cửa cho các du khách tham quan. Các tác phẩm được thẩm định, bảo quản và phục chế bởi các chuyên gia đầu ngành.
Ông Ace Lê – đồng giám tuyển – cho biết vua Hàm Nghi là một trong hai họa sĩ Việt đầu tiên (cùng Lê Văn Miến) được đào tạo sáng tác theo phương pháp hàn lâm Tây phương, đóng vai trò tiên phong của mỹ thuật hiện đại trong nước. “Tranh của ông là sự kết hợp giữa tài năng hội họa và tình yêu đất nước, nơi ông gửi gắm nỗi nhớ quê hương lẫn sự phản kháng ngầm trước những áp bức, trong thời gian bị Pháp lưu đày”, Ace Lê nói.
Tiến sĩ Amandine Dabat – hậu duệ đời thứ năm của vua – đồng giám tuyển. Bà là người đầu tiên tổ chức triển lãm tranh ông tại Pháp tháng 5/2022, đồng thời góp phần giúp hồi hương các tác phẩm của cựu hoàng, như bức Hồ trên dãy núi Alps.
Ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị phối hợp tổ chức – cho biết việc trưng bày, giới thiệu những tác phẩm của vua Hàm Nghi góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước, từ đó có ý thức bảo tồn di sản. Sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian Huế đăng cai tổ chức năm du lịch quốc gia, kết hợp festival thành phố và kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh (26/3/1975 – 26/3/2025).
Vua Hàm Nghi (1871-1944) có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, khi mới 13 tuổi. Ông là hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn. Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết rời khỏi kinh thành và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Năm 1888, vua bị bắt và bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô Algérie). Ông qua đời vào năm 1944 vì bệnh ung thư dạ dày.
Tài năng hội họa của vua được khai phá trong thời gian bị lưu đày. Suốt sự nghiệp mỹ thuật, vua từng thực hiện ba triển lãm: tại Musée Guimet (tháng 6/1904), Galerie Mantelet (tháng 11/1911), Galerie Mantelet – Colette Weil (tháng 11/1926). Ông coi nghệ thuật như thú vui riêng, giúp quên đi thực tại bị phế truất. Theo Asian Art, vua không tìm kiếm sự công nhận từ công chúng, ít quan tâm đến việc ký tên, ghi ngày tháng cho tác phẩm. Vua Hàm Nghi chưa bao giờ bán tác phẩm nào của mình.