Ngày 14/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đồng tình với với việc có cơ chế đặc thù để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt tại 2 thành phố để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm đường sắt đô thị và chính sách kèm theo khi triển khai tổ chức thực hiện các dự án; làm rõ ưu, nhược điểm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Làm rõ thêm các nội dung của đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Vũ Hồng Thanh cho biết, qua báo cáo đánh giá tại kỳ họp thứ 8, kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong những tháng cuối năm rất tốt, góp phần hoàn thành 15/15 chỉ tiêu, tăng trưởng vượt trên 7%. Thu ngân sách vượt so với kế hoạch, cân đối thu, chi ổn định; công tác chỉ đạo điều hành rất quyết liệt, đây là những tín hiệu rất tốt để Quốc hội ủng hộ với Chính phủ để điều chỉnh phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý đề án cần bổ sung giải pháp giữ ổn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI), để ổn định kinh tế vĩ mô, tránh ảnh hưởng đến giá cả thị trường, ảnh hưởng đến đồng tiền của người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có nghị quyết giao chỉ tiêu cho từng bộ, ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Theo đó, các ngành, địa phương cũng phải nhanh chóng đưa ra biện pháp, giải pháp đột phá hơn nữa để làm căn cứ hoàn thành chỉ tiêu đề ra sau khi bổ sung, sửa đổi mục tiêu tăng trưởng.
Tham gia vào nội dung đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, bám sát đề án của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã xác định trọng tâm, trọng điểm và nâng mục tiêu tăng trưởng lên 14%. Đại biểu quan tâm đến những giải pháp cụ thể trước mắt và có tính ngắn hạn để thực hiện và đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt là các giải pháp về đầu tư công, thu hút vốn đầu tư FDI, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị phải tháo gỡ những bất cập về chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển. Đại biểu cũng đồng tình với việc bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho 10 địa phương, đặc biệt là đối với địa phương có các khu kinh tế trọng điểm, khu kinh tế cửa khẩu cần phải có sự quan tâm bổ sung ngay và mở rộng các chính sách đặc thù có hiệu quả. Đại biểu lấy ví dụ như khu kinh tế Vân Đồn cần xây dựng những cơ chế đặc thù để phát huy thế mạnh và thu hút các nhà đầu tư.
Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để có thể đạt được kết quả tăng trưởng đề ra trong năm 2025 cần phải có các giải pháp cụ thể hơn nữa đối với từng lĩnh vực và phải đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành. Đại biểu cũng đồng tình với việc có cơ chế chính sách đặc thù với các khu kinh tế để tháo gỡ vướng mắc và phát triển. Đại biểu đề nghị các cơ chế, chính sách bổ sung cần làm rõ và rà soát phù hợp với địa phương.