Với những kết quả khả quan về xuất nhập khẩu từ đầu năm 2025 tới nay, Kế hoạch Phát triển xuất nhập khẩu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ hoàn thành vượt mức, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 14% trong năm 2025 của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Kế hoạch Phát triển xuất nhập khẩu năm 2025 với nhiều mục tiêu cụ thể, bao gồm: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh trên địa bàn tỉnh tăng trên 12% so với cùng kỳ; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tỉnh cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó tăng tỷ trọng vào thị trường xuất khẩu khu vực châu Á đạt khoảng 82% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024; thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu đạt khoảng 10%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Mỹ đạt khoảng 5%; thị trường xuất khẩu khu vực châu Phi đạt khoảng 1%; thị trường xuất khẩu khu vực khác đạt khoảng 2% trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025.
Đây là những mục tiêu được đặt ra dựa trên nền tảng khá bền vững của tỉnh Quảng Ninh với những lợi thế về phát triển kinh tế nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng. Bởi lẽ, với gần 119km đường biên giới trên bộ và 191km đường biên giới trên biển với Trung Quốc, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện thông thương tốt với Trung Quốc qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển. Tỉnh cũng sở hữu hạ tầng giao thông hiện đại, với hệ thống đường cao tốc kết nối từ thủ đô Hà Nội, qua Hải Phòng đến tận cửa khẩu Móng Cái kết nối với Trung Quốc, thị trường khổng lồ trên 1 tỷ dân. Quảng Ninh cũng có sân bay quốc tế, có hệ thống cảng biển rất phát triển. Cùng với đó, Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi với 7 năm liên tiếp (từ 2017 đến 2023) đứng đầu Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số PCI.
Từ đầu năm 2025 đến nay, xuất nhập khẩu của Quảng Ninh cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Theo báo cáo từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái, tính đến ngày 8/2/2025, đã có 480 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan qua cửa khẩu, tăng 87 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 493,56 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024. Hoạt động thông thương hàng hóa qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh cũng tăng cao ngay từ đầu năm với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 7.406.690 USD, tăng 80,4%…
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1/2025 của Quảng Ninh đạt hơn 903,18 triệu USD, cán cân thương mại xuất siêu 34,54 triệu USD (cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 448,86 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 414,32 triệu USD).
Đặc biệt, ngày 6/2/2025, tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cũng đã diễn ra Lễ ký kết nghiệm thu bàn giao nhà làm việc, trang thiết bị phòng thí nghiệm nông sản và thực phẩm (CCIC) tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II. Phòng thí nghiệm có tổng diện tích 430m2 được thiết kế và trang bị thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 17025 với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Việc có thêm các đơn vị kiểm định chất lượng sản phẩm sẽ là cơ hội tốt cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói riêng và sang các thị trường khác.
Bên cạnh đó, theo nhận định của Bộ Công Thương, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục.
Với những tín hiệu vui này, Kế hoạch Phát triển xuất nhập khẩu năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ hoàn thành vượt mức, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 14% trong năm 2025 của tỉnh.