Đảng bộ huyện Ba Chẽ hiện có 25 cơ sở đảng, trong đó có 13 đảng bộ và 12 chi bộ cơ sở, 146 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với trên 2.200 đảng viên. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Chẽ Bùi Văn Lưu, bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp ủy huyện xây dựng kế hoạch, tích cực chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phát triển đảng viên. Với phương châm “nơi nào có dân, nơi ấy có tổ chức đảng và đảng viên”, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác phát triển Đảng. Cùng với đó, tập trung bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng cho các đối tượng là ĐVTN, cán bộ, hội viên của các tổ chức chính trị – xã hội, đồng bào DTTS ở thôn, bản.
Nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục công tác Đảng được triển khai hiệu quả đã thu hút đông đảo ĐVTN tham gia, như: Thi tìm hiểu về Đảng; học tập, nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chủ trương của đoàn cấp trên… Trong quá trình thực hiện, Đảng bộ huyện quán triệt phương châm kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, nhất là tiêu chuẩn giác ngộ về lý tưởng của Đảng, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác. Với những giải pháp đó, công tác phát triển đảng viên của huyện Ba Chẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện đã kết nạp được 287 đảng viên mới, trong đó 70,5% là người DTTS.
Còn tại TP Móng Cái, để tăng cường công tác xây dựng Đảng ở vùng đồng bào DTTS, Thành ủy Móng Cái đã quan tâm đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy tổ chức đảng vùng đồng bào DTTS. Trong đó, xác định phát triển đảng viên người đồng bào DTTS là trung tâm; coi việc nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, chi bộ vùng đồng bào DTTS là hạt nhân, gốc rễ; xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bào DTTS là then chốt; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS, tăng dần tỷ lệ người DTTS tham gia công tác trong hệ thống chính trị.
Trên cơ sở này, Đảng bộ TP Móng Cái tập trung nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức chính trị – xã hội trong công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên; tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, bảo đảm cơ cấu hợp lý. Trong đó, tập trung quan tâm kết nạp đảng viên ở khu vực dân cư, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác xây dựng Đảng; chú trọng thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong công tác kết nạp đảng viên; biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ TP Móng Cái đã kết nạp được 932 đảng viên, trong đó có 75 đảng viên người DTTS, nâng tổng số đảng viên người DTTS lên 215 đảng viên (chiếm 4,6% tổng số đảng viên của thành phố, tăng 32,7% so với đầu nhiệm kỳ).
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các cấp MTTQ, tổ chức chính trị – xã hội tỉnh, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân tộc; đã ban hành các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên vùng đồng bào DTTS. Các tổ chức cơ sở đảng làm tốt công tác dân vận vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng NTM…
Đảng viên người DTTS cũng phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo. Họ trở thành “cầu nối” đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với nhân dân, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng; là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc; tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Nhờ đó, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, nhất là trong vùng đồng bào DTTS; góp phần chung tay đẩy mạnh phát triển KT-XH, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.