Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, cùng với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian thì các điểm du lịch, di tích lịch sử văn hoá tại Hải Hà đang thu hút du khách du xuân, trải nghiệm.
Ngay trong những ngày đầu xuân, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hải Hà, các hoạt động vui xuân, đón Tết diễn ra trong không khí sôi nổi, vui tươi, như: Đẩy gậy, kéo co, ném còn, đi cầu kiều, bóng chuyền hơi, giải bóng đá nam…đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Trên khắp các nẻo đường từ các thôn, bản, già trẻ, trai gái nô nức đi trẩy hội xuân đã mang đến không khí mùa xuân ấm áp, vui tươi, tràn đầy sức sống.
Không chỉ hoà mình trong các hoạt động vui xuân, đón Tết, những ngày đầu năm mới, tại các điểm du lịch, di tích lịch sử văn hoá tại Hải Hà đang thu hút du khách đến du xuân, trải nghiệm, như: Chùa Hải Hà, đền Trần Hưng Đạo, đình Mi Sơn, đình Quang Lĩnh, đình Tó, đình Cái Chiên và các khu, điểm du lịch như khu du lịch đảo Cái Chiên, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đồi chè Quảng Long, cột mốc biên giới… trên hành trình 2 tuyến và 3 điểm du lịch của huyện Hải Hà.
Những ngày đầu xuân, dừng chân ở đồi chè Quảng Long, du khách thực sự được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận được sức sống và hương vị của những búp chè xuân và nhâm nhi thưởng thức hương vị chè Hải Hà. Đặc biệt, đồi chè Quảng Long là điểm đến lý tưởng cho những bạn trẻ mê phượt, thích check in trong khung cảnh thiên nhiên đẹp.
Chùa Hải Hà đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đây là nơi sinh hoạt văn hoá của người dân địa phương, cũng là địa điểm đến của khách thập phương trong những ngày lễ lớn như lễ đón giao thừa, lễ hội mùa xuân, lễ thượng nguyên, lễ giỗ Mẫu, lễ vào hè, lễ hội tắm Phật mừng Phật đản, lễ thắp nến tri ân… Với tổng diện tích quy hoạch hơn 5.400m2, từ vị trí địa lý, phong cảnh tự nhiên, cho đến các công trình kiến trúc, hiện vật thờ trong các di tích nơi đây đã tạo nguồn cảm hứng, thu hút khách du lịch đến tham quan, dâng hương…
Trong những ngày đầu tháng Giêng, các địa phương đã tổ chức khai hội đình với nhiều nét văn hoá đặc sắc của nhân dân địa phương cả ở phần lễ và phần hội. Tiêu biểu như: Đình Mi Sơn (thị trấn Quảng Hà) là nơi thờ các vị Đức Vua, các vị Quan lớn, thờ Thành hoàng Vạn cảnh canh giữ các cửa sông, cửa biển. Hàng năm, lễ hội Đình Mi Sơn được diễn ra từ ngày 16-20 tháng Giêng, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú; Đình Quang Lĩnh (xã Quảng Minh) có lịch sử gần 500 tuổi, được trùng tu vào năm 1983, đình thờ phụng 2 vị anh hùng dân tộc có công với nước là Đỗ Phúc Phả và Đỗ Huệ Quang. Năm nay, lễ hội đình Quang Lĩnh tổ chức trong 03 ngày, từ ngày 12-14 tháng Giêng với nhiều hoạt động như: Nghi lễ rước thần, thi đấu bóng chuyền hơi, các trò chơi dân gian: Bịt mắt bắt vịt, đập niêu, đi cầu kiều, móc vòng…
Trên hành trình du xuân Hải Hà, trong những ngày đầu năm mới, hàng trăm du khách đã tham gia trải nghiệm các hoạt động vui xuân, đón Tết cùng đồng bào dân tộc xã Quảng Đức với phong tục đón Tết độc đáo của người Dao. Trên hành trình trải nghiệm, khám phá cung đường biên giới, du khách thực sự thích thú khi check in tại các cột mốc biên giới trong tiết trời xuân nơi biên cương của Tổ quốc.
Theo thống kê từ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hải Hà, tổng số khách du lịch đến huyện trong dịp Tết Nguyên đán tính từ ngày 25/1/2025 đến hết ngày 2/2/2025 ước đạt 28.000 lượt khách. Doanh thu từ du lịch ước đạt trên 56 tỷ đồng. Điều này đã khẳng định sức hút của du lịch Hải Hà ngay từ những ngày đầu xuân.