Một trong những nhiệm vụ được Quảng Ninh chú trọng trong năm 2025 là tích cực đồng hành, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp với phương châm cùng chung tay, cùng thắng, cùng phát triển.
Thời gian trước đó, Quảng Ninh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND (ngày 21/3/2024) về triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP (ngày 15/7/2023) của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; Nghị quyết số 155/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) của HĐND tỉnh về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững đến năm 2025; Kế hoạch số 152/KH-UBND (ngày 17/6/2024) hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2026…
Công tác tuyên truyền, phổ biến và cung cấp tài liệu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được quan tâm, trong đó chú trọng các tài liệu phổ biến về thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên pháp luật của các cơ quan nhà nước.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và cải tiến hoặc xây dựng quy trình mới đảm bảo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường, các cơ hội từ các chính sách thương mại tự do khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nâng cao chất lượng hỗ trợ và cung cấp thông tin liên quan đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) của các cơ quan nhà nước đảm bảo đáp ứng đúng những nhu cầu của doanh nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp với các hiệp hội trên địa bàn tỉnh, tăng cường tuyên truyền để tăng tỷ lệ doanh nghiệp biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các chính sách thương mại tự do; hỗ trợ giúp doanh nghiệp bảo đảm thời gian kê khai thủ tục BHXH theo quy định…
Mặt khác, tỉnh và các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp định kỳ cấp tỉnh, cấp huyện; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khu vực dân doanh.
Với mục tiêu toàn bộ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đều được giải quyết, Quảng Ninh công khai các nguồn lực kinh doanh cho doanh nghiệp của tỉnh; công khai các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án… để đảm bảo toàn bộ các loại hình doanh nghiệp có thể tiếp cận. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉnh bố trí thêm cán bộ hiểu biết chuyên môn làm công tác hướng dẫn doanh nghiệp.
Công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số cũng được tỉnh chú trọng, qua đó tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Quảng Ninh luôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm quy định TTHC đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện TTHC. Năm 2024, trên cơ sở căn cứ TTHC của các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 69 quyết định công bố danh mục TTHC, bao gồm 164 thủ tục mới; 731 thủ tục sửa đổi, bổ sung; 157 thủ tục bãi bỏ.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), Quảng Ninh triển khai các biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt và nhanh chóng. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau bão số 3 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; thành lập tổ công tác xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục, hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh còn tổ chức các cuộc họp làm việc trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, bàn giải pháp xử lý nợ cho doanh nghiệp, người dân; báo cáo đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề…
Nhờ thực hiện các giải pháp tích cực, Quảng Ninh đã tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng hoạt động. Năm 2024, Quảng Ninh có 2.070 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11.765 doanh nghiệp đang hoạt động; 681 HTX đăng ký hoạt động, có kê khai thuế.