Dù đạt được kết quả ấn tượng, song xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khối FDI. Theo các chuyên gia, cần tạo ra “luồng khí mới” để doanh nghiệp nội vươn lên khẳng định mình.
Doanh nghiệp FDI vẫn “lấn át”
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, liên tục rút ngắn thời gian để đạt những kỷ lục mới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tồn tại không rủi ro, xuất khẩu nước ta năm 2024 vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực, đóng vai trò động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tiến sát mốc 800 tỷ USD, đạt mức kỷ lục 786,29 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua mốc 400 tỷ USD (sau 3 năm). Đây là thành tựu quan trọng trong nỗ lực phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam. Kết quả này cũng đưa nước ta vươn lên vị trí 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 – Dĩ bất biến, ứng vạn biến do Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT phát hành mới đây nhận định, năm 2024, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam phục hồi 14,3% so với cùng kỳ lên 405,5 tỷ USD từ mức nền thấp trong năm 2023 chủ yếu nhờ gia tăng xuất khẩu các sản phẩm máy móc và thiết bị, linh kiện điện tử cũng như gỗ và sản phẩm gỗ. Mỹ giữ vững vị thế là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt. Các sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử và gỗ dẫn dắt đà tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nội tại nền xuất khẩu còn nhiều vấn đề chưa bền vững và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nhìn từ những con số công bố trong vài năm gần đây cho thấy, giá trị xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng cao hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp trong nước.
Về phía Bộ Công thương, mới đây, đánh giá xuất khẩu năm 2024 phục hồi tăng trưởng nhanh, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng đã chỉ ra nhiều yếu tố thiếu bền vững đó là phần lớn kim ngạch xuất khẩu là do doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng trên 70%). Tỷ lệ doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu còn ít.
Riêng năm 2024, xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô ước đạt gần 290,9 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2023, chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 289,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2023, chiếm hơn 71,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước. “Toàn bộ thặng dư trong cán cân thương mại cũng tới từ doanh nghiệp FDI trong khi khối doanh nghiệp trong nước liên tục nhập siêu với xu hướng ngày càng tăng”, bà Thắng nhấn mạnh.
Tạo “luồng khí mới” cho doanh nghiệp nội
Bàn về lời giải cho bài toán xuất khẩu bền vững, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội để khu vực doanh nghiệp này có thể làm chủ “sân chơi” xuất khẩu. “Một trong những giải pháp để nâng cao nội lực cho doanh nghiệp Việt chính là tạo “luồng khí mới” từ các cơ chế mới, linh hoạt và phù hợp với thời đại, với hơi thở mới và bối cảnh mới”, ông Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh nhằm mục tiêu tạo thuận lợi hơn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm của Chính phủ và sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành hàng, địa phương trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn về môi trường kinh doanh, giải vây những vướng mắc cho doanh nghiệp.
Còn theo Vụ trưởng Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Đinh Thị Thúy Phương, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ và ưu tiên để doanh nghiệp nội có chân trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua đó tạo sức lan tỏa cũng như khí thế vươn lên cho cộng đồng doanh nghiệp này. Chỉ khi doanh nghiệp nội có được vị trí chủ đạo thì nền xuất khẩu nước nhà mới bền vững.
Bên cạnh tạo ra những cơ chế, chính sách và tạo ra ‘khí thế mới’ cho khu vực doanh nghiệp nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bản thân các doanh nghiệp nội cũng cần nỗ lực vươn lên, nỗ lực khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, điều quan trọng cũng nằm ở phía doanh nghiệp, bản thân họ cần chủ động nâng cao năng lực thông qua nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu và giảm giá thành sản xuất để tăng cường tính cạnh tranh cho hàng Việt trên thị trường thế giới; doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao hiệu quả các hiệp định FTA; đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; triển khai loạt giải pháp nhằm tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng; thúc đẩy chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xuất khẩu bền vững.
“Bộ Công thương đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam”, ông Hải cho biết thêm./.