Để thu hút người xem, nhiều gameshow sử dụng nhiều chiêu trò, tạo tranh cãi nhằm giữ sức nóng cho chương trình.
“Drama” là gia vị không thể thiếu
Thời gian qua, nhiều gameshow nối tiếp lên sóng để phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả như “Rap Việt”, “The Face Vietnam”, “Người ấy là ai”…
Ngay từ khi công bố, “Người mẫu toàn năng” (The New Mentor) thu hút sự quan tâm khi có sự góp mặt của 4 tên tuổi là Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng, Hương Giang và Lan Khuê.
Sau 9 tập phát sóng, chương trình vướng nhiều tranh cãi, không ít lần khiến khán giả dậy sóng vì những tình tiết khó hiểu, gây ức chế. Trong tập cuối, thí sinh Lâm Châu nhận “cơn bão” chỉ trích từ người xem vì thái độ trịch thượng, ngạo mạn với các huấn luyện viên và thí sinh.
Tuy là thí sinh nhỏ tuổi nhất, Lâm Châu lại gọi thẳng tên những thí sinh khác, thậm chí được khán giả ví như… mentor thứ 5 của chương trình. Cô mất điểm trầm trọng trước thềm chung kết.
Thực chất, “Người mẫu toàn năng” đã có không khí căng thẳng, nghẹt thở từ đầu. Trong tập 2, Thanh Hằng đã mất 2 thí sinh mạnh, khiến cô bất bình thốt lên “đừng dùng hai từ công bằng nữa”.
Đến tập 4, Hồ Ngọc Hà bỏ đi, đồng thời nhận định: “Hương Giang đi thi vì Hương Giang, không phải vì chương trình”. Còn Thanh Hằng cho rằng, Dược sĩ Tiến bất chấp luật chơi, luôn ưu ái và bảo vệ Hương Giang.
4 huấn luyện viên có những màn đấu khẩu gay gắt để bảo vệ thí sinh, bỏ về để thể hiện sự phản đối trước luật chơi thiếu nhất quán, lạm quyền.
Phóng viên Lao Động liên hệ với đại diện truyền thông của chương trình, anh Fong Lee nói: “Thời gian này cả ê kíp đang tập trung để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đêm thi chung kết.
Điều quan trọng là đây là chương trình truyền hình thực tế và đã quay xong tất cả 9 tập từ rất lâu. Chương trình không cố tình cắt ghép hay dàn dựng”.
“The Face Vietnam” cũng dùng “chất liệu” tương tự để thu hút người xem. Các huấn luyện viên cãi nhau từ tập đầu. Vũ Thu Phương gây tranh cãi bằng những “chiêu trò” tạo sóng gió, khóc lóc, công kích, gây hấn đồng nghiệp.
Ở mảng gameshow ca nhạc, Rap Việt cũng bị phản ứng vì “thêm thắt” các yếu tố gây tranh cãi để thu hút khán giả. Màn trình diễn của rapper Dubbie vẫn lên sóng dù đề cập đến nhân vật lịch sử một cách nhạy cảm.
Đến mùa 3, Rap Việt thay đổi tiêu chí, dành 50% kết quả quyết định bởi khán giả tại trường quay. Vì vậy, rapper Alen bị loại khó hiểu, trong khi Dubbie lại nhận được sự đồng thuận chỉ vì điểm cộng ngoại hình.
Mặc khán giả phản ứng
Ở “The Face Vietnam” mùa 5, nhà sản xuất khẳng định các tình huống này xảy ra bất ngờ, không sắp đặt. Thế nhưng, việc ê-kip đặt nhiều góc máy quay cận cảnh biểu cảm của các huấn luyện viên phần nào cho thấy dụng ý khác.
Không chỉ “phóng đại” những cái nhíu mày, liếc xéo, biểu cảm thách thức của nhân vật, các phần tranh luận còn kéo dài lê thê, chiếm nhiều thời lượng. Những phần phỏng vấn riêng cũng được chèn vào sau mỗi lời nói của huấn luyện viên để tăng thêm kịch tính.
Kết quả, dù chỉ có 10 tập phát sóng, “The Face Vietnam” đăng tải riêng… 36 đoạn cắt trên YouTube, trong đó hầu hết là những màn cạnh tranh, những “drama” trong quá trình thi thay vì tập trung chuyên môn.
Thậm chí, có khán giả bình luận, không có tập nào mà các huấn luyện viên không cãi nhau, còn thí sinh đứng nghe.
Việc chọn – loại thí sinh vẫn được các gameshow tận dụng triệt để nhằm tạo sự hấp dẫn, tăng tính tò mò cho những tập sau.
“The New Mentor” với format mới lạ gần như bị phản ứng trong tất cả các lần giải cứu – loại trừ. Chương trình bị chê thiếu công bằng, huấn luyện viên phải bỏ về giữa chừng, thí sinh mỉa mai nhau trên sóng.
Ồn ào của Lâm Châu khiến cô rơi vào “bão phẫn nộ” từ cộng đồng mạng. Một số nhãn hàng mà cô đang hợp tác đã phải xóa bài hoặc khóa bình luận để xoa dịu công chúng.
Đại diện truyền thông Fong Lee chia sẻ với Lao Động, khi xem chương trình, trước mỗi sự việc mỗi người có những góc quan sát khác nhau, quan điểm khác nhau và cảm nhận sự việc đôi khi cũng không giống nhau.
Các gameshow sa đà vào tạo “drama” khiến nhiều khán giả bức xúc, mất cảm tình, nghiêm trọng hơn khi khiến các nhân vật tham gia chương trình bị tẩy chay, tấn công.