Năm 2024 tròn 30 năm Vịnh Hạ Long (VHL) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đây cũng là quãng thời gian chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành Du lịch Quảng Ninh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý VHL (ảnh) về việc phát huy giá trị điểm đến du lịch VHL.
– Ông cho biết VHL có vai trò như thế nào đối với ngành Du lịch Quảng Ninh?
+ Năm 2024 Quảng Ninh đón trên 19 triệu lượt du khách, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế, mang lại tổng doanh thu gần 47.000 tỷ đồng. Trong đó VHL đón gần 3,2 triệu lượt du khách, chiếm gần 20% tổng lượng du khách của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn nhất trong số hơn 600 điểm đến là các di tích lịch sử, danh thắng, hội tụ cảnh đẹp, bản sắc văn hóa địa phương thuộc tỉnh.
Có thể khẳng định với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, VHL được xác định là động lực, lợi thế cạnh tranh riêng có của Quảng Ninh, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh.
Sau 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, VHL giờ đã có một diện mạo mới, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được bảo tồn nguyên vẹn; các tiềm năng thế mạnh được phát huy; bộ máy, cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ di sản từng bước được củng cố, hoàn thiện, tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị VHL một cách toàn diện, bền vững.
Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040… đều gắn kết bảo tồn và phát triển bền vững VHL là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng dài hạn, có vai trò quan trọng bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh của tỉnh, là động lực trong phát triển du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Như vậy có thể thấy VHL giữ vai trò rất quan trọng, đưa du lịch trở thành một trụ cột phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân, là cầu nối trong quan hệ đối ngoại giữa Quảng Ninh, Việt Nam với đông đảo bạn bè, các đối tác, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
– Ông cho biết, với vai trò là động lực của ngành Du lịch tỉnh, VHL đã và sẽ được khai thác như thế nào?
+ 30 năm qua, nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh luôn ý thức với trách nhiệm cao nhất, bằng nhiều giải pháp hiệu quả để bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị của Di sản VHL, thực hiện đầy đủ, đúng với Công ước quốc tế về bảo vệ di sản của nhân loại.
Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên VHL ngày càng phong phú với 8 hành trình tham quan, 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm; mở rộng không gian du lịch theo hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền để tăng tính kết nối khu vực VHL, Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn và Cô Tô, góp phần giảm tải hoạt động du lịch khu vực vùng bảo vệ tuyệt đối của Di sản; nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, xây dựng triển khai các Bộ quy tắc ứng xử “Văn minh du lịch”, “Nụ cười Hạ Long”.
Song song với đó, nhiều giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá được triển khai, thể hiện sự quyết tâm cao trong ưu tiên bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản, như: Cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa trên VHL; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi vùng đệm di sản; thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan để bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái của VHL.
Tỉnh dành nguồn lực đầu tư, tôn tạo, làm đẹp hơn, hiện đại và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan tới Vịnh, như hệ thống cảng tàu khách tiêu chuẩn quốc tế, các tuyến đường, các cảng bến, các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Quy hoạch, Bảo tàng, Thư viện… để đến nay hình ảnh VHL trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh, của Việt Nam và của thế giới, là niềm tự hào của Việt Nam.
Vịnh Hạ Long.
Trong chặng đường mới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả quản trị thông qua việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế quản lý di sản, hoàn thành và triển khai các quy hoạch, quy chế, kế hoạch phát triển bền vững du lịch VHL. Đồng thời đặt công tác bảo vệ, bảo tồn di sản gắn với chú trọng phát triển kinh tế di sản có chọn lọc, bền vững, tổng thể; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng phát triển du lịch chất lượng cao, khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị, tiềm năng của di sản, thắt chặt mối quan hệ với 7 di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận cùng xây dựng chuỗi điểm đến, hành trình nổi bật trong quản lý và phát huy giá trị di sản của cả nước…
Là di sản được mở rộng tiếp tục sang TP Hải Phòng, VHL – quần đảo Cát Bà là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam nằm trên địa giới hành chính 2 địa phương trở lên, tỉnh tiếp tục chủ động, thúc đẩy liên kết mạnh mẽ hơn với TP Hải Phòng để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng cơ sở dữ liệu số về nguồn tài nguyên và các giá trị của di sản, triển khai các nhiệm vụ giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn, quản lý hiệu quả rừng đặc dụng, giảm thiểu rác thải, nước thải; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá, hợp tác quốc tế về di sản, thu hút hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật và nguồn lực kinh tế trong quản lý di sản…
– Xin cảm ơn ông!